Đắk Song: Công trình cấp nước gần 10 tỷ đồng đang "đắp chiếu"

Bảo Ngọc| 27/05/2019 10:47

Đầu tư gần 10 tỷ đồng, sau đó sửa chữa gần 550 triệu đồng nhưng công trình hoạt động được vài tháng rồi tiếp tục hư hỏng.

ADQuảng cáo

Công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư gần 10 tỷ đồng có nguy cơ thành phế liệu

Sửa chữa và tiếp tục… hư hỏng

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại 3 thôn Thuận Hòa, Thuận Tân và Thuận Thành, xã Thuận Hạnh được phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào năm 2014. Công trình có khả năng cấp nước 242 m3/ngày đêm, cho gần 520 hộ dân. Tổng vốn dự toán của công trình gần 10 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng gần 7,2 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 90%, ngân sách huyện và huy động Nhân dân đóng góp 10%.

Ngày 12/5/2015, UBND huyện Đắk Song ban hành Quyết định số 1159/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung bản vẽ thi công dự toán công trình. Thời điểm này, công trình được giảm công suất cấp nước xuống còn 284 hộ dân trên địa bàn 3 thôn, khả năng cấp nước chỉ còn 124 m3/ngày đêm. Trong khi đó, tổng mức đầu tư vẫn không thay đổi, giữ nguyên gần 10 tỷ, kinh phí xây dựng tăng lên 7,229 tỷ đồng.

Cuối năm 2015 công trình được đưa vào sử dụng. Chỉ sau khoảng 1 năm sau đó, công trình bắt đầu bị “trục trặc” và phát sinh nhiều lỗi liên quan đến giếng khoan, hệ thống điện, đường ống dẫn nước lên bồn chứa, bồn chứa, đài nước và đường dẫn nước từ đài chứa tới các hộ dân… (Báo Đắk Nông đã có bài phản ánh).
Hơn 2 năm sau đó, công trình này không hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Nhiều hạng mục bắt đầu xuống cấp, hư hỏng nặng. Nhìn chung, công trình gần như bị “đắp chiếu”.

Ngày 9/7/2018, Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song (chủ đầu tư) có tờ trình gửi UBND huyện Đắk Song đề xuất phương án sửa chữa công trình này. Ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song cho biết, đơn vị đã rà soát năng lực các doanh nghiệp về thi công công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk trước khi mời Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Mạnh Hùng (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tham gia sửa chữa công trình này. Từ đó, Ban đề xuất sửa chữa một số hạng mục, trong đó có đường ống từ khu xử lý đến đài nước, hệ thống lọc, hệ thống điện, và tuyến ống dẫn nước từ đài nước xuống đường ống chính.

Đến ngày 7/8/2018, UBND huyện Đắk Song quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật với tổng kinh phí sửa chữa gần 550 triệu đồng; trong đó, tổng chi phí xây dựng là 470 triệu đồng. Theo ông Trần Văn Quảng, dù tổng kinh phí sửa chữa như vậy nhưng ngân sách huyện chỉ chi ra 350 triệu đồng. Phần còn lại huy động của đơn vị cũ đã xây dựng công trình.

ADQuảng cáo

Điều đáng nói, sau khi sửa chữa, công trình chỉ hoạt động được một thời gian ngắn. Đến tháng 4/2019, công trình tiếp tục hư hỏng, nhất là nguồn điện không hoạt động; một giếng khoan đã cạn nước. Người dân lại không được sử dựng nước sạch từ công trình.

Đài chứa nước của công trình đặt tại Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Thuận Hạnh

Công trình "đắp chiếu" và trách nhiệm

Công trình cấp nước tại xã Thuận Hạnh có tổng vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa gần 10 tỷ đồng. Sau khi sửa chữa chỉ cấp nước cho 35 hộ dân trên địa bàn xã Thuận Hạnh. Như vậy, tính ra, suất đầu tư cho một hộ dân tại đây được sử dụng nước sạch phải tốn khoảng 300 triệu đồng, trong khi hiệu quả lại không như mong muốn. Người dân trong xã rất bức xúc vì đã bỏ ra một số tiền khá lớn để đầu tư đường ống, đồng hồ đo nhưng lại không được sử dụng nước sạch.

Theo bà Đoàn Thị Tốt, Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh thì sau khi được sửa chữa và nâng tổng kinh phí đầu tư lên hơn gần 10 tỷ đồng, công trình cấp nước này đã ngưng hoạt động hơn 1 tháng nay. Nguyên nhân là do hệ thống điện tại trạm bơm chập chờn, hư hỏng nên không khởi động máy bơm được. Ngoài ra, một giếng khoan tại công trình cũng không có nước. Lượng nước của giếng còn lại không đủ bơm được lên máy lọc. Hiện tại, không có cá nhân, đơn vị nào chịu đứng ra nhận quản lý vận hành công trình. Nguyên do là hệ thống phức tạp, không ổn định, dễ hư hỏng và tổng số tiền thu từ bán nước quá ít, không đủ trả tiền điện.

Ông Trần Văn Quảng cho hay, khi lên phương án sửa chữa, UBND xã Thuận Hạnh báo cáo có 79 hộ dân có nhu cầu sử dụng nước từ công trình. Nhưng sau khi sửa chữa xong, chỉ có 35 hộ dân đăng ký sử dụng nước. Về việc công trình tiếp tục không bơm được nước, ông Quảng khẳng định nguyên nhân chính là do mực nước ngầm tại giếng khoan cạn kiệt. Còn về điện thì đơn vị đang phối hợp với chính quyền xã để tiếp tục sửa chữa.

Ông Nguyễn Văn Phò, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song khẳng định:

Việc công trình cấp nước tại xã Thuận Hạnh bị hư hỏng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song, tiếp đến là UBND xã Thuận Hạnh. UBND huyện Đắk Song đã phải bỏ ngân sách ra để sửa chữa công trình, hiện lại đang phải “bao cấp” tiền điện cho công trình này hoạt động do thu không đủ chi. Tuy nhiên, nếu công trình không tiếp tục hoạt động nữa, UBND huyện giao cho Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song và UBND xã Thuận Hạnh tìm phương án sửa chữa, khắc phục và quản lý vận hành. Sau đó, UBDN huyện sẽ xử lý trách nhiệm các bên liên quan nếu không khắc phục được.

Công trình cấp nước sinh hoạt đầu tư gần 10 tỷ đồng, sửa chữa nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại tiếp tục hư hỏng và nguy cơ trở thành phế liệu. Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Song: Công trình cấp nước gần 10 tỷ đồng đang "đắp chiếu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO