Khốn khổ vì lò đốt than ở khu dân cư

Linh Thư| 06/06/2016 10:37

Một số người dân ở thôn Đức Lợi, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) phản ánh đến Báo Đắk Nông về việc lò đốt than của gia đình bà Trần Thị Nguyệt Minh gây ô nhiễm môi trường bởi khói, bụi, mùi hôi thối ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của người dân trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Được biết, cơ sở đốt than củi của gia đình bà Minh được hình thành từ đầu năm 2016, gồm có 2 lò lớn và 2 lò nhỏ với công suất hoạt động khoảng 12 tấn than/lượt/ lò lớn và 2 tấn than/lượt/ lò nhỏ. Nguyên liệu dùng để đốt than chủ yếu là thân cây cà phê, muồng, keo…

Tuy nhiên, các lò than ở đây được làm thủ công, chỉ dùng tôn, bạt che chắn tạm bợ chứ không có tường rào bao xung quanh, không có hệ thống ống dẫn khói ở trên cao... Do lò đốt than nằm ngay khu vực dân cư sinh sống (chỉ cách QL 14 tầm 100m) nên khói bụi và mùi hôi đã ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt của các hộ dân trong vùng.

Lò đốt than của gia đình bà Trần Thị Nguyệt Minh tại xã Đức Mạnh (Đắk Mil) thải khói bụi gây bức xúc cho các hộ dân xung quanh

Ông Nguyễn Văn Thành, người dân thôn Đức Lợi cho biết: Khói bụi từ lò than đã gây ảnh hưởng tới diện tích cây trồng của gia đình ông. Bụi than bám vào làm cho tiêu mới trồng của ông không thể lớn được, giảm tỉ lệ đậu quả, khiến năng suất cà phê giảm. Nguy hại hơn, khói bụi còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân xung quanh, nhất là người già và trẻ nhỏ thường bị mắc các bệnh về đường hô hấp.

ADQuảng cáo

Không chịu đựng nổi tình trạng ô nhiễm do lò than gây ra, tháng 3/2016, ông Thành và một số hộ dân đã gửi đơn khiếu nại đến UBND xã Đức Mạnh và Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Đắk Mil. Trong biên bản làm việc với chính quyền địa phương vào ngày 17/3, bà Minh nêu lí do vì phải bỏ ra một số tiền vốn khá lớn nên không thể ngừng hoạt động lò than ngay được, do vậy, bà Minh hứa sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, một thời gian nữa sẽ dừng hoạt động lò than.

Ông Nguyễn Công Đệ (chồng bà Minh) cho biết: Trước đây, gia đình ông cho hoạt động 4 lò than với 2 lò đốt bằng hơi và 2 lò đốt hỏa. Sau khi người dân phản ánh và chính quyền địa phương nhắc nhở nên gia đình đã dừng đốt 2 lò nhỏ do 2 lò này đốt hỏa trực tiếp nên khói bụi nhiều và đến nay ông chỉ cho đốt 1 lò to. Mỗi lò than thường phải đốt liên tục 25 ngày mới xong một lượt và khói bụi cũng chỉ diễn ra chủ yếu vào ngày thứ 14, 15 của quá trình đốt lò.

Theo ông Nguyễn Xuân Ánh, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Đắk Mil thì trước phản ánh của người dân, Phòng đã phối hợp với UBND xã để xuống kiểm tra, nhắc nhở, đồng thời, hướng dẫn chủ cơ sở thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Trong thời gian tới, nếu chủ cơ sở vẫn chưa khắc phục được thì sẽ tiến hành xử phạt theo quy định.

Theo quy định về đầu tư xây dựng lò đốt than: Chủ lò than phải xin giấy phép xây dựng, phải có bản đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, đặc biệt, việc xây dựng phải đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Thế nhưng, lò than của gia đình bà Minh cho đến nay chỉ có bản đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường được UBND huyện Đắk Mil xác nhận theo Giấy xác nhận số 250/XN-UBND vào ngày 21/3. Hơn nữa, lò than lại được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình là hoàn toàn không đúng mục đích sử dụng đất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khốn khổ vì lò đốt than ở khu dân cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO