Thực hiện Đề án phòng, chống “tham nhũng vặt”: Thay đổi nhận thức quyết định thành công

Mạnh Thắng| 25/09/2019 08:55

Ngày 8/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Đắk Nông) ban hành Đề án phòng, chống “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông (Đề án). Liền sau đó, ngày 11/9, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 473/KH-UBND xác định 11 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai Đề án.

ADQuảng cáo

Điều này cho thấy quyết tâm cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để xử lý vấn đề được xem “là một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh trong những năm vừa qua xuống vị trí thấp nhất cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Quyết tâm chính trị đã được khẳng định; nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được đề ra, nhưng để đạt được mục tiêu của Đề án là một cả một quá trình, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, liên tục từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cho đến mỗi công dân.

Về vấn đề nhận thức, thiết nghĩ  trước hết, mỗi cá nhân trong hệ thống chính trị phải “thấm” được rằng: Một hành vi “tham nhũng vặt” có thể gây ra hậu quả không lớn về mặt vật chất, nhưng nếu không “trị tiệt nọc” thì hậu quả về mặt xã hội là khôn lường, làm sút giảm uy tín của Đảng, mất mát lòng tin của Nhân dân với Đảng, đe dọa sự vững bền của chế độ.

Cần nhận thức "tham nhũng vặt" chính là "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cưỡng đoạt tài sản" – tội phạm hình sự, để từ đó có định hướng xử lý. Bởi chỉ những người có quyền hạn, dù là quyền rất nhỏ, mới có thể “khéo léo” hoặc thậm chí công khai bắt buộc người dân, doanh nghiệp đưa cho mình một khoản tiền, hay một loại lợi ích không phải là tiền nào đó, đánh đổi cho việc thực hiện một công việc lẽ ra mình phải làm; hay thỏa hiệp với đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình để bỏ qua cho đối tượng, bỏ túi cho cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước.

ADQuảng cáo

Thứ đến là nhận thức về trách nhiệm, cơ chế “liên đới trách nhiệm” người đứng đầu, người phụ trách trực tiếp khi cấp dưới có hành vi sách nhiễu người dân, doanh nghiệp. Không thể nói cấp trên vô can, “không biết cơ quan mình có nhũng nhiễu, tiêu cực”. Tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, tháng 11/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: "Trên nghiêm mới nói được dưới, dưới sợ không dám làm".

Điểm quan trọng khác để quyết định thành công của việc thực hiện Đề án là phải thay đổi được nhận thức của cộng đồng xã hội. Đang tồn tại thực tế mâu thuẫn trong xã hội, giữa mong muốn được sống trong một xã hội “liêm chính” và việc họ sẵn sàng thỏa hiệp, sẵn sàng tham gia vào các hành vi tham nhũng, như một việc làm cần thiết để mưu cầu lợi ích cho bản thân hoặc gia đình và khi “được việc” họ lại quay lại “oán thán” đối tượng mà họ đã thỏa hiệp?! Đó là điều kiện, là môi trường cho tham nhũng vặt.

Vậy nên, khi và chỉ khi mỗi công dân nói không "lót tay", không "phong bì", không "tiếp tay” cho những hành vi tham nhũng thì tham nhũng không thể "lây lan”. Và chỉ khi nào ý thức tuân thủ pháp luật được cộng hưởng thì chắc chắn sẽ không còn chuyện lách luật, lựa luật hay bất chấp pháp luật để nhũng nhiễu, mưu cầu lợi ích cá nhân.

Những nội dung trên là chưa đủ, nhưng thiết nghĩ, chỉ khi thay đổi được nhận thức về những vấn đề cơ bản nêu trên thì việc triển khai Đề án mới có thể đi vào cuộc sống, đạt được mục tiêu mong muốn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Đề án phòng, chống “tham nhũng vặt”: Thay đổi nhận thức quyết định thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO