Cà phê đặc sản - Nâng tầm giá trị cà phê Đắk Mil

Đức Hùng| 05/05/2022 08:44

Huyện Đắk Mil đang phát triển sản xuất cà phê theo hướng đặc sản. Mục tiêu của huyện là đưa sản phẩm cà phê Đắk Mil lên tầm quốc gia, hướng tới thị trường xuất khẩu.

ADQuảng cáo

Gia đình anh Hồ Văn Hoan, xã Đắk Lao (Đắk Mil) có 4 ha cà phê. Sau nhiều năm canh tác theo lối truyền thống, anh Hoan đã thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, chất lượng cao.

Trước hết, anh sản xuất cà phê thuận tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Cà phê sau thu hoạch được anh bảo quản, rang xay theo quy trình chất lượng cao.

Anh Hoan tâm sự: "Phải chấp nhận thay đổi để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp tốt, an toàn cho bản thân, người tiêu dùng. Việc thay đổi cũng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê một cách đáng kể".

Theo anh Hoan, hằng năm, trong 10 tấn cà phê thu hoạch được, anh tuyển lựa khoảng 5 tấn để sản xuất cà phê bột chất lượng cao. Cà phê bột được anh sản xuất theo hướng đặc sản,  đạt 81,1 điểm theo đánh giá của một đơn vị độc lập uy tín tại Đắk Lắk

Nhiều người dân Đắk Mil đã chú trọng bảo quản cà phê sau thu hoạch theo hướng đặc sản

Tương tự, HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil đã nhiều năm áp dụng quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn 4C. Trong đó, HTX tập trung thu hái cà phê đủ độ chín và sơ chế, chế biến sau thu hoạch.

Theo ông Võ Đình Danh, thành viên HTX, hiện nay, đơn vị đang có 50 ha cà phê được sản xuất theo hướng đặc sản, với sản lượng khoảng 50 tấn cà phê nhân/vụ. Số cà phê này đều đạt trên 80 điểm theo đánh giá chất lượng của đơn vị độc lập, đủ tiêu chuẩn để sản xuất cà phê đặc sản.

Huyện Đắk Mil hiện có khoảng 20 ha cà phê sản xuất theo hướng đặc sản, với sản lượng 28 tấn/vụ. Giai đoạn 2022 - 2025, huyện sẽ mở rộng quy mô cà phê đặc sản lên 150 ha, sản lượng 300 tấn/vụ. Đến năm 2030, quy mô sản xuất cà phê đặc sản của huyện khoảng 300 ha, sản lượng 550 tấn/vụ.

ADQuảng cáo

Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, chiến lược của huyện là nâng chất lượng sản phẩm cà phê Đắk Mil lên tầm quốc gia, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Huyện đã khoanh vùng sản xuất cà phê đặc sản theo quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Để thực hiện hiệu quả, bền vững chiến lược sản xuất cà phê đặc sản, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất cà phê trọng điểm.

Trong đó, các vùng canh tác truyền thống, có năng suất, chất lượng cà phê tốt như Đức Mạnh, Thuận An, Đức Minh, Đắk Sắk..., sẽ được huyện tận dụng để phát triển thành những vùng sản xuất cà phê chất lượng cao.

Huyện tiếp tục đẩy mạnh cải tạo diện tích cà phê theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Trong đó, huyện tập trung đưa các giống cà phê mới có chất lượng tốt để bà con tái canh diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng.

Đắk Mil đặt mục tiêu xây dựng 300 ha cà phê đặc sản vào năm 2030

Cùng với đó, huyện sẽ tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, mở các lớp đào tạo chuyên môn cho các cán bộ quản lý, doanh nghiệp, người trực tiếp sản xuất cà phê.

Huyện cũng hỗ trợ các chủ thể sản xuất cà phê đặc sản xây dựng hạ tầng cơ sở, đánh giá chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Việc sản xuất cà phê đặc sản sẽ được huyện tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị, ổn định và bền vững.

Theo quy chuẩn của Bộ NN-PTNT, sản xuất cà phê đặc sản phải có vùng nguyên liệu thuận tự nhiên. Quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến cà phê theo tiêu chuẩn đặc biệt (do địa phương hoặc ngành chức năng ban hành).

Cà phê khi thử nếm phải có hương vị riêng và đạt từ 80 điểm trở lên theo đánh giá của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA) hoặc Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà phê đặc sản - Nâng tầm giá trị cà phê Đắk Mil
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO