Chư Jút gắn “Dân vận khéo” với xây dựng nông thôn mới

Văn Tâm| 11/04/2018 10:26

Mô hình “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chư Jút (Đắk Nông) vận dụng sáng tạo, thực hiện có hiệu quả.

ADQuảng cáo

Những năm qua, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), trên địa bàn huyện Chư Jút đã có hàng trăm tuyến đường dân sinh, đường vào khu sản xuất tập trung và nhiều công trình công cộng do người dân hiến đất, tài sản trên đất để xây dựng. Có được những kết quả trên là do cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận dụng sáng tạo, có hiệu quả chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Tuyên truyền là giải pháp hàng đầu

Tuyến đường số 2 của thôn 6 đi thôn 4, xã Trúc Sơn dài 700 m đi qua nhiều vườn, đất rẫy của bà con trong thôn nên việc triển khai làm đường gặp khó khăn. Trong đó, đoạn qua đất của gia đình ông Nguyễn Văn Nạp ở thôn 6 có diện tích khá lớn. Đây là một trong những tuyến đường mới được mở rộng, kiên cố hóa trong chương trình NTM trên địa bàn.

Theo đồng chí Phạm Văn Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trúc Sơn thì nếu không khơi thông được “nút thắt” này chắn chắn sẽ không thực hiện được chủ trương chung, cũng là điểm “nghẽn” khi thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông của xã.

Cũng theo đồng chí Phạm Văn Dũng, để hoàn thành tuyến đường, tập thể Đảng ủy xã xác định chỉ có biện pháp là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động gia đình ông Nguyễn Văn Nạp và một số hộ dân hiến đất, hoa màu tài sản trên đất vì địa phương không có kinh phí để đền bù, giải tỏa. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động đã được cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn cùng vào cuộc và coi đây là biện pháp quan trọng hàng đầu để động viên, kêu gọi người dân tham gia góp sức, tài sản để kiến thiết, xây dựng địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nạp (bên trái) ở thôn 6, xã Trúc Sơn (Chư Jút) đã hiến 936 m2  đất cùng cây trồng, ao cá để làm đường

Bước đầu thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, gia đình ông Nạp không tránh khỏi băn khoăn, bởi quyền lợi của gia đình bị tổn thất, nhưng nhờ chỉ ra được ý nghĩa to lớn của quyền lợi cá nhân gắn với trách nhiệm cộng đồng xã hội, cuối cùng gia đình ông Nạp và một số hộ dân thôn 6 đã tự nguyện hiến đất để làm đường. Riêng Gia đình ông Nạp đã hiến 936 m2 (chiều dài 104 m, rộng 9 m), 120 cây cà phê, 1 ao cá và một số cây ăn trái. Nếu so với giá thị trường trị giá khoảng 40 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Ông Nạp chia sẻ: “Nói thật một điều là mình không hiến thì không làm đường được. Nên mình phải tự nguyện hiến một ít thì cái việc chung nó mới thành công được. Bây giờ đường đã làm xong cao ráo, rộng rãi, đi lại thuận lợi, ai nấy cũng cảm thấy vui trong lòng”.

Ngoài gia đình ông Nạp, trên tuyến đường này còn có 16 hộ  khác tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất, tự tháo dỡ 55 m bờ rào, 20 trụ tiêu và một số tài sản khác giúp tuyến đường hoàn thành. Đồng chí Phạm Văn Dũng cho biết thêm: Từ năm 2011, khi mới thực hiện chương trình NTM, xã Trúc Sơn mới đạt 3/19 tiêu chí.

Toàn xã chưa có kilômet đường bê tông nào, chỉ có 1/6 thôn có nhà văn hóa cộng đồng, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 12 triệu đồng… Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, xã đã đạt 10/19 tiêu chí, thu nhập đầu người đạt 32,6 triệu đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2011, bộ mặt nông thôn từng bước đổi thay, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục được chú trọng.

Ngoài hiến đất xây dựng đường thôn 6 đi thôn 4, ông Nguyễn Văn Nạp còn nhường đất để người dân đi làm rẫy được thuận lợi hơn

Đẩy mạnh phong trào thi đua “dân vận khéo”

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Việt, Trưởng Ban Dân vận, Huyện ủy Chư Jút thì mô hình "Dân vận khéo" gắn với xây dựng NTM được triển khai rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, vai trò chủ thể của người dân được phát huy tối đa. Để thực hiện hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, phong trào ở địa phương, Chư Jút đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” từ cấp huyện đến các thôn, bon, buôn.

Theo đó, các xã, thị trấn khảo sát chọn 6 thôn, buôn, bon, tổ dân phố để xây dựng “Mô hình dân vận khéo”. Cũng theo đồng chí Nguyễn Hồng Việt, quá trình xây dựng mô hình đã có tác dụng tích cực, làm chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên và nhân dân trên các lĩnh vực đời sống chính trị, xã hội. Đặc biệt là phong trào thi đua xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh như: Hiến đất làm đường giao thông, xây dựng hội trường thôn, phong trào xã hội hóa giáo dục, đưa trẻ trong độ tuổi đến trường, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo…

Mô hình "Dân vận khéo" gắn với xây dựng NTM ở Chư Jút đang tạo ra sức loan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư. Qua đó thu được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, huyện Chư Jút có 2 xã đạt chuẩn NTM gồm Tâm Thắng và Nam Dong, 5 xã còn lại đạt từ 10-11 tiêu chí. Trong thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy Chư Jút sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, từ đó, phát hiện, biểu dương những gương người tốt, việc tốt để nhân rộng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chư Jút gắn “Dân vận khéo” với xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO