Đắk Glong phấn đấu không bị "tụt lại" phía sau trong xây dựng nông thôn mới

Trần Lê| 13/11/2019 09:10

Huyện nghèo, đóng góp của Nhân dân hạn chế, nguồn vốn ngân sách đầu tư còn thấp... là những "lực cản" rất lớn đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Đắk Glong (Đắk Nông). Do đó, nhiều năm nay, Đắk Glong luôn "đứng sau" các địa phương khác về kết quả xây dựng NTM.

ADQuảng cáo

Đắk Glong có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công nhưng chưa được nhân rộng. Ảnh: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Diễn thăm mô hình trồng ổi ứng dụng công nghệ cao của bà Ứng Thị Ngọc, tại xã Quảng Khê

Chưa có xã nào đạt chuẩn NTM

Huyện Đắk Glong hiện có 7 xã với 61 thôn, bon đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện khoảng 78.776 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 49,56%. Đây thật sự là một trở ngại lớn cho các xã trong quá trình phấn đấu đạt chuẩn NTM. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Đắk Glong, xuất phát điểm của hầu hết các xã thấp, nên việc xây dựng NTM phải đầu tư khối lượng rất lớn, bao trùm tất cả các mặt về đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Do đó, kết quả của Chương trình NTM còn rất chậm với mục tiêu đề ra.  Hiện nay, "lực cản" lớn nhất của xây dựng NTM là huy động nguồn vốn để triển khai các nội dung, phần việc cụ thể.

Theo thống kê, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2010-2020 theo đề án xây dựng nông thôn mới 7 xã được phê duyệt là hơn 2.000 tỷ đồng.  Tuy nhiên, tổng huy động giai đoạn 2010-2019 chỉ được 1.070,89 tỷ đồng, đạt 53,09%. Trong đó số vốn do cộng đồng dân cư, hộ gia đình và các doanh nghiệp tự đầu tư, đóng góp bằng các hình thức để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình văn hóa, xã hội chỉ đạt hơn 44 tỷ đồng. Chính vì thế, số tiêu chí NTM bình quân của huyện tăng chậm, thậm chí một số năm còn giảm. Cụ thể đến nay toàn huyện chỉ đạt 52/133 tiêu chí NTM. Bình quân mỗi xã đạt 7,4 tiêu chí, bằng 39,09%. Đắk Glong cũng là huyện chưa có xã nào đạt chuẩn NTM.

Ông Nguyễn Đức Chiến, Chủ tịch UBND xã Đắk Ha (Đắk Glong) cho biết: Do vốn hạn hẹp, nên các tiêu chí NTM có vốn đầu tư lớn thì địa phương rất khó hoàn thành. Cụ thể như các tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn... hầu như xã chưa làm được. Đến nay địa phương mới đạt 7/19 tiêu chí NTM,  tăng 6 tiêu chí so với năm 2011, nhưng lại giảm 1 tiêu chí so với năm 2015.  

ADQuảng cáo

Còn ông Trần Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê (Đắk Glong) cho biết, hiện xã đạt 9 tiêu chí NTM, so với năm 2011, xã tăng 6 tiêu chí nhưng lại giảm 2 tiêu chí so với năm 2015. Nguyên nhân khó khăn trong xây dựng NTM ở Quảng Khê cũng không nằm ngoài lý do... thiếu vốn.

Đắk Glong hiện đang có 2 xã đạt số tiêu chí NTM ở mức thấp là Quảng Hòa (5 tiêu chí) và Đắk Som (6 tiêu chí). Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng hai xã có này cũng "lực bất tòng tâm" về gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn xây dựng NTM do đời sống người dân còn quá thấp.

Tiêu chí giao thông  còn khó thực hiện tại Đắk Glong. Ảnh: Đoạn đường tại thôn 7, xã Đắk Ha chưa được cứng hóa

Đầu tư có trọng điểm hơn

Vốn ít, nên nếu đầu tư dàn trải sẽ càng làm cho chương trình NTM thiếu chiều sâu, khó tạo được bước chuyển biến lớn để đổi mới bộ mặt nông thôn trên địa bàn. Do đó Đắk Glong xác định sẽ thực hiện việc đầu tư xây dựng NTM có trọng tâm, trọng điểm hơn. Mục tiêu của huyện đến hết năm 2019, tổng số tiêu chí xây dựng NTM đạt được trên địa bàn huyện là 59 tiêu chí và bình quân mỗi xã đạt 8,4 tiêu chí; đến hết năm 2020 xã Quảng Khê sẽ đạt chuẩn NTM.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Đắk Nông vào ngày 1/10/2019, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đắk Glong phải có sự chủ động vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị, Nhân dân trong xây dựng NTM, nhất là trong công tác xóa nghèo. Huyện phải phấn đấu đến năm 2020 có 1 xã đạt chuẩn NTM làm tiền đề, đầu kéo cho các xã khác, nếu không sẽ tụt lại phía sau, tạo sự chênh lệch lớn với các địa phương khác trong tỉnh.

Theo ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ dồn sức cho xã Quảng Khê từ công tác chỉ đạo, điều hành, đến vốn liếng để địa phương này đạt 10 tiêu chí còn lại trong 19 tiêu chí NTM. Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao gắn với các mô hình có sự liên kết sẽ được nhân rộng để đạt và giữ vững các tiêu chí về đời sống kinh tế của Nhân dân như thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất. Đây sẽ là “bệ đỡ’ vững chắc cho các tiêu chí còn lại về hạ tầng kinh tế - xã hội. Các ban, ngành, đoàn thể của huyện tăng cường hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp nhất là hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển, thúc đẩy các mô hình hợp tác xã liên doanh, liên kết có hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đắk Glong cũng sẽ kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, xã, cơ quan tham mưu giúp việc cấp huyện, cán bộ phụ trách nông thôn mới cấp xã và Ban phát triển thôn, bon gắn với nhiệm vụ về chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình OCOP). Từ  cán bộ, đảng viên, Nhân dân phải nỗ lực cao nhất, không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Khi Quảng Khê đạt chuẩn sẽ như “đầu tàu” để  địa phương có được những kinh  nghiệm, cách làm để nhân rộng ra các xã còn lại, làm cơ sở để góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn mới bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong phấn đấu không bị "tụt lại" phía sau trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO