Đắk Mil thúc đẩy nông nghiệp từ kinh tế tập thể

Đức Hùng| 07/06/2022 09:00

Kinh tế tập thể (KTTT) ở huyện Đắk Mil đang phát triển theo hướng toàn diện, có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của huyện. Đắk Mil xem KTTT là khâu quan trọng để thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển.

ADQuảng cáo

HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng, sản xuất cà phê chất lượng cao. Những năm qua, HTX đã tập trung sản xuất giống mới để cung cấp ra thị trường.

HTX áp dụng công nghệ tưới phun sương cho vườn ươm giống, vườn cà phê kinh doanh; ứng dụng mô hình phơi sấy cà phê, nông sản chất lượng cao bằng năng lượng mặt trời…

Nhiều năm qua, HTX đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. HTX cũng chế biến cà phê theo tiêu chuẩn đặc sản, chất lượng cao. Quá trình sản xuất, HTX sử dụng máy bắn màu để phân loại quả chín, sơ chế, chế biến cà phê nhân chất lượng cao.

Sản phẩm cà phê của HTX được ký kết hợp đồng tiêu thụ với nhiều quán cà phê hoặc cung cấp vào thị trường cao cấp ở các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Giá bán sản phẩm cà phê chất lượng của HTX cũng cao hơn 1,8 - 2 lần giá cà phê nhân xô trên thị trường.

Tương tự, HTX Nông nghiệp thương mại và dịch vụ xoài Đắk Gằn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xoài chất lượng cao. HTX đã áp dụng và đạt chuẩn quy trình sản xuất VietGAP.

Sản phẩm xoài của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Hiện nay, tất cả các thành viên của HTX đã sản xuất theo một quy trình, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử…

HTX Nông nghiệp thương mại và dịch vụ xoài Đắk Gằn sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP

Trên địa bàn huyện Đắk Mil hiện có 23 HTX, với hơn 5.000 xã viên. Trong đó, có 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh thu bình quân của HTX 400 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên tại HTX đạt 40 – 50 triệu đồng/người.

ADQuảng cáo

Huyện có 20 tổ hợp tác (THT) hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Doanh thu bình quân của các THT đạt 240 triệu đồng/năm. Nhiều HTX, THT đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, nhiều HTX đã áp dụng công nghệ sản xuất xanh, sạch, an toàn. Một số HTX đầu tư công nghệ xử lý, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, sử dụng rộng rãi máy móc thiết bị cơ khí trong sản xuất.

Các HTX đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng ngắn ngày, cho năng suất cao. Các HTX thực hiện các chương trình khuyến nông, khoa học công nghệ để xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể cho sầu riêng, xoài và bơ.

Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ KTTT trên địa bàn huyện đang được triển khai. Điều đó giúp các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả.

Huyện xem KTTT là nòng cốt trong việc phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm, có tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện nay, huyện đang định hướng phát triển KTTT gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quy hoạch vùng sản xuất gắn với công nghiệp chế biến.

Phát triển KTTT với nòng cốt là HTX sẽ giúp huyện phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong những năm qua, huyện đã tập trung phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm có tiềm năng, lợi thế.

Huyện đã tiến hành rà soát, xây dựng thí điểm vùng sản xuất cà phê công nghệ cao Thuận An và vùng xoài Đắk Gằn. Huyện đang đề xuất tỉnh bổ sung 4 vùng sản xuất cà phê thuộc thị trấn Đắk Mil và các xã Đắk Sắk, Đắk Lao, Đức Mạnh.

Đắk Mil đang từng bước hình thành các cánh đồng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

"Với các chiến lược đó, huyện xem KTTT là khâu mũi nhọn để sản xuất quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm chất lượng cao", ông Hoàng cho biết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil thúc đẩy nông nghiệp từ kinh tế tập thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO