Đào tạo nghề ở nông thôn - Có chuyển biến nhưng chưa đều

Kim Ngân| 27/04/2022 08:48

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề ở nông thôn đã có nhiều chuyển biến, nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, các địa phương trong tỉnh.

ADQuảng cáo

Theo đánh giá của Sở LĐTBXH, thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề, người dân được nâng cao kiến thức, phát huy kinh nghiệm để áp dụng vào phát triển sản xuất hiệu quả.

Thông qua đào tạo nghề, nhiều lao động ở khu vực nông thôn đã tìm được việc làm, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Công tác đào tạo nghề cũng giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giải quyết được nguồn lao động.

Thời gian qua, UBND xã Thuận An (Đắk Mil) đã tiến hành rà soát lao động có nhu cầu học nghề, việc làm tại địa phương. Qua đó, xã đã xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp đối với người lao động trên địa bàn.

Xã Thuận An cũng thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích khi tham gia học nghề. Xã đã phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, HTX, trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để đào tạo nghề cho người dân.

Đến nay, tỷ lệ lao động của xã đã qua đào tạo đạt 65% trong tổng số lao động trên địa bàn. Nhiều lao động sau đào tạo đã áp dụng hiệu quả vào đời sống sản xuất, nhất là ngành trồng trọt, chăn nuôi.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức lớp tập huấn về trồng trọt cho nông dân xã Quảng Phú (Krông Nô)

Xã Đắk Hòa (Đắk Song) cũng là địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả là các loại cây trồng chủ lực của xã.

Xã đã xác định đào tạo nghề phục vụ phát triển nông nghiệp là trọng tâm. Hằng năm, xã Đắk Hòa đều phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho nông dân.

ADQuảng cáo

Nhờ đó, xã đã giúp người dân nắm bắt được các kiến thức, kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất. Đến nay, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí lao động có việc làm. Tỷ lệ người có việc làm trên địa bàn xã đạt 94%, với tổng số 2.601/2.769 người.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chủ động triển khai công tác đào tạo nghề cho người dân, nhất là ở vùng nông thôn. Công tác đào tạo nghề đã đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

Riêng năm 2021, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn về hướng dẫn thành lập, quản lý, điều hành tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Các cấp Hội Nông dân cũng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức 5 lớp đào tạo nghề cho 207 hội viên, nông dân.

Nhân viên Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn người dân xã Đắk P'lao (Đắk Glong) tiêm vắc xin phòng bệnh cho gà

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã tổ chức 14 lớp tập huấn cho trên 224 người. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Tổ chức cà phê toàn cầu triển khai 10 lớp tập huấn cho 300 người.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù công tác đào tạo nghề ở nông thôn đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa đồng đều, một số địa phương vẫn còn mờ nhạt, việc đào tạo chưa đi vào trọng tâm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Nguyên nhân là do các vùng nông thôn trong tỉnh, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại kém phát triển. Do vậy, nhiều lao động dù tham gia các lớp đào tạo nghề như: dệt thổ cẩm, dạy may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật vi tính…, nhưng vẫn không có đơn vị tuyển dụng, không có việc làm.

Đây là nguyên nhân khiến việc đào tạo nghề ở nông thôn chưa sát với nhu cầu việc làm của người dân, gây lãng phí nhiều mặt. Do đó, công tác đào tạo nghề cần được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực tế nhiều hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề ở nông thôn - Có chuyển biến nhưng chưa đều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO