Dấu ấn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đắk Nia

Lê Phước| 26/05/2021 09:12

Những năm gần đây, nhiều người dân xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng nguyên liệu có quy mô, đáp ứng nhu cầu của thị trường và mang lại hiệu quả cao.

ADQuảng cáo

Năm 2011, anh Phan Duy Lam, ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, chuyển đổi 4 ha cà phê già cỗi sang trồng cam, quýt. Nhờ trồng giống mới và siêng học hỏi kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, vườn cây của gia đình anh Lam phát triển tốt. Bốn năm sau, vườn cây bắt đầu mang lại nguồn thu ổn định.

Vườn cây ăn trái 4 ha của gia đình anh Phan Duy Lam được ứng dụng CNC trong sản xuất

Vườn cam, quýt của anh Lam đã được đầu tư hệ thống nước tưới hiện đại và áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm. Bên cạnh đó, anh Lam còn biết cách “ép” cho cây ra quả trái vụ, nên sản phẩm bán được giá cao và dễ tiêu thụ hơn. Mỗi năm, vườn cam, quýt mang về cho gia đình anh khoản thu nhập nhiều tỷ đồng.

Vườn cây ăn trái của gia đình anh Lam là 1 trong nhiều mô hình trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại Đắk Nia. Tiêu biểu trong số các mô hình là vườn măng cụt 8 ha tại Trang trại Gia Ân của gia đình ông Trần Quang Đông. Trang trại được sản xuất theo quy trình tiên tiến và đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) từ năm 2016.

Sản xuất măng cụt theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi quy chuẩn chặt chẽ từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc cho đến khi thu hoạch. Các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường phải được chọn lựa kỹ lưỡng và gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Măng cụt GlobalGAP của ông Đông luôn có đầu ra ổn định và giá bán dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi sản phẩm thông thường. Măng cụt GlobalGAP rất được người tiêu dùng ưa chuộng vì bảo đảm an toàn, chất lượng cao.

Tại Đắk Nia hiện có nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái mang lại giá trị tương đối cao

ADQuảng cáo

Tại Đắk Nia còn có trang trại trồng sầu riêng quy mô lớn của gia đình ông Nguyễn Ngọc Trung, ở bon Sê rê Ú. Trang trại được sản xuất theo mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC và có 45 ha được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

Ngoài việc mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông Trung, trang trại đã góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương và tạo nên sự phong phú cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã Đắk Nia.

Đắk Nia là địa bàn có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC của thành phố Gia Nghĩa. Toàn xã hiện có 7 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, với tổng diện tích trên 75 ha. Trong đó, có 1 mô hình được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và 2 mô hình được chứng nhận VietGAP.

Theo UBND xã Đắk Nia, địa phương có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Những năm qua, người dân trên địa bàn tập trung đầu tư giống mới, trang thiết bị phục vụ sản xuất để hướng tới việc cơ giới hóa, tự động hóa.

Theo đề án phát triển vùng nông nghiệp CNC của thành phố Gia Nghĩa, xã Đắk Nia sẽ là nơi phát triển vùng cây ăn trái quy mô 300 ha và vùng trồng cà phê có quy mô 500 ha. Đắk Nia được thành phố quy hoạch là vùng sản xuất rau an toàn và hoa các loại.

Trồng hoa hồng quy mô lớn được ứng dụng CNC tại Đắk Nia 

Theo ông Trần Đình Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, gần đây, các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC ngày càng tăng cả về số lượng và quy mô, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm tại địa phương.

Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp tục đầu tư, phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC. Quan điểm của địa phương là tận dụng lợi thế để sản xuất các sản phẩm có thế mạnh như trái cây, hoa... để từng bước xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đắk Nia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO