Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu và bền vững (kỳ 3): Còn nhiều khó khăn, thách thức

Hồng Thoan| 23/06/2020 10:10

Dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, song xây dựng NTM vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, toàn thể người dân, doanh nghiệp phải phấn đấu, nỗ lực hơn nữa mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng NTM trên toàn tỉnh...

ADQuảng cáo

Hạ tầng còn yếu kém

Xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016, nhưng hiện tại một số thôn hệ thống hạ tầng còn chưa hoàn thiện. Điển hình là tại thôn 6, hệ thống điện chưa được đầu tư, đường giao thông trục thôn, ngõ xóm hầu như còn đường đất, cấp phối.

Người dân thôn 6 xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) tự kéo điện sử dụng

Ông Hồ Văn Thương, hộ dân ở thôn 6 phản ánh, khi xã đạt chuẩn NTM, bản thân ông rất vui mừng và có thêm hy vọng sẽ có được sự đầu tư thêm nguồn điện. Thế nhưng, đã 5 năm trôi qua, người dân vẫn phải tự kéo điện để phục vụ sinh hoạt. “Điện yếu, chập chờn, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, nhất là vấn đề sản xuất nông nghiệp của nông dân. Mùa khô, thời gian cao điểm hầu như việc vận hành máy bơm nước rất khó khăn”, ông Thương cho biết.

Đoạn đường khu vực suối hai xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) mưa ngập, nắng bụi

Theo Bí thư Đảng ủy xã Nhân Cơ Lê Quang Trường, từ khi đạt chuẩn NTM đến nay, xã chỉ nâng cao được một vài tiêu chí, còn lại vẫn “giẫm chân tại chỗ”, nhất là giao thông. Đoạn đường vào thôn 6 chừng 8 km hiện đều là đường đất. Cũng tại thôn này hệ thống điện chưa được ngành điện đầu tư, chưa có trạm biến áp, trong khi thôn này đông dân cư, với khoảng 200 hộ, diện tích rộng.

“Qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, bà con cũng đã nhiều lần phản ánh các vấn đề trên, xã cũng đã báo cáo, tìm hướng giải quyết, nhưng do nguồn vốn quá lớn, nên địa phương không thể đầu tư được”, ông Trường cho biết thêm.

Đắk Glong địa phương có nhiều mô hình nông nghiệp chất lượng cao nhưng chậm được nhân rộng (Trong ảnh: Mô hình ổi trân châu của bà Ừng Thị Ngọc, thôn 6, xã Quảng Khê)

Ông Phan Văn Sinh, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đắk Nông, cho biết: Ngoài các tiêu chí về hạ tầng thì không ít xã không nâng cao, thậm chí có năm còn “rớt chuẩn” các tiêu chí mềm như an ninh trật tự, hệ thống chính trị, tổ chức sản xuất.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh chỉ ra rằng: Đa số các xã mới đạt được NTM ở mức tối thiểu so với quy định của bộ tiêu chí NTM. Do đó, việc xây dựng NTM chưa thực sự bền vững, khởi sắc và chưa có điểm nhấn, điểm nổi bật so với các xã khác, nhất là so với các tỉnh, thành phố khác và dễ biến động, bị rớt tiêu chí xã nông thôn mới.

ADQuảng cáo

Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Đắk Nông khẳng định: Để vượt qua những khó khăn, thách thức, toàn tỉnh phải tạo được động lực từ hệ thống chính trị và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Đây là điều tất yếu phải thực hiện bởi mục tiêu cuối cùng của Chương trình là nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho cư dân nông thôn, họ sống bằng kinh tế nông nghiệp.

Nỗi trăn trở Tuy Đức, Đắk Glong

Điều khiến cho những người làm công tác xây dựng NTM hiện nay trăn trở nhất là việc cả hai huyện Tuy Đức và Đắk Glong chưa có xã nào đạt chuẩn NTM.

Tại huyện Tuy Đức, đến cuối 2019, bình quân mỗi xã mới đạt 9,3 tiêu chí NTM, trong đó xã đạt cao nhất là Quảng Trực mới có 12/19 tiêu chí. Theo, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức K’Bốt, địa phương có địa hình rộng, chia cắt, dân cư thưa thớt, một số khu vực dân cư thiếu ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn cao (46,45%), trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó đã đặt ra nhiều thách thức cho bộ máy quản lý chương trình xây dựng NTM của huyện.

Tương tự, Đắk Glong cũng có địa bàn rộng, hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, trong đó 2/7 xã thuộc diện tái định cư, nên đời sống người dân chưa ổn định. Là huyện nghèo, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho Chương trình NTM còn thấp, trong khi khả năng đóng góp của người dân còn rất hạn chế. Mặc dù huyện có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, nhưng chậm nhân rộng hoặc không bền vững. Lĩnh vực kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện còn yếu kém...

Những nguyên nhân trên đã làm cho huyện gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng NTM nhất là các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, tổ chức sản xuất, văn hóa, quốc phòng và an ninh. Đến cuối 2019, số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện mới đạt được 52 tiêu chí/133 tiêu chí, bình quân mỗi xã 7,4 tiêu chí.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn, qua 10 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM cho thấy kinh nghiệm là ở đâu, xã nào, huyện nào hệ thống chính trị mạnh, vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao thì ở đó nông thôn mới đi lên. Bởi khi hệ thống chính trị mạnh thì mới được những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tâm huyết, quyết tâm cao, mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hệ thống chính trị có mạnh thì mới có sự sáng tạo, tư duy phù hợp, hiệu quả để huy động được sức dân, dân mới nghe, tin tưởng.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, đối với các huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM phải có sự quyết tâm, quyết liệt hơn trong chỉ đạo, triển khai, tận dụng, huy động tốt mọi nguồn lực để có một xã đạt chuẩn NTM làm “đầu tàu”. Từ đó, vận dụng, học hỏi, rút kinh nghiệm để xây dựng NTM trên địa bàn tốt hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu và bền vững (kỳ 3): Còn nhiều khó khăn, thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO