Gia Nghĩa tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thanh Nga| 16/04/2020 08:50

Năm 2016, Thành ủy Gia Nghĩa đã ban hành Chương trình số 10 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình số 10). Thực hiện Chương trình, những năm qua, người dân trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Hình thành các vùng sản xuất

Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình số 10 đã cho thấy, việc ứng dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào định hướng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo hướng hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng về số lượng, chất lượng, quy mô góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hợp tác xã Tia Sáng (Gia Nghĩa) sản xuất chanh dây xuất khẩu.

Những năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp ở Gia Nghĩa luôn được nâng cao, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 (theo giá cố định năm 2010) ước đạt 745 tỷ đồng, tăng trên 13,5 tỷ đồng so với năm 2015. Lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 62% so với tổng doanh thu, tăng 2% so với mục tiêu của Chương trình số 10. Do giá nông sản những năm gần đây giảm, nên ít nhiều ảnh hưởng tới việc tăng lợi nhuận đối với các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Gia Nghĩa đã quy hoạch phát triển sản xuất rau an toàn và hoa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Vùng quy hoạch này được bố trí tại phường Nghĩa Phú, xã Đắk R’moan và xã Đắk Nia. Về quy mô, đến năm 2020 diện tích hoa đạt 10 ha, sản lượng 9,9 triệu cành; diện tích rau đạt 36 ha rau, với sản lượng trên 2.853 tấn. Hiện nay, điện tích, sản lượng rau và hoa đều đạt kế hoạch theo Chương trình số 10. Thành phố cũng định hướng đến năm 2030 có 55 ha rau, với sản lượng 5.400 tấn và diện tích hoa tăng lên 25 ha.

Thành phố Gia Nghĩa cũng đã quy hoạch phát triển cây ăn quả đến năm 2020, với diện tích 650 ha, sản lượng 6.700 tấn và đến năm 2030 mở rộng lên thành 1.100 ha, với sản lượng 32.000 tấn.

ADQuảng cáo

Hiện tại, trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa có nhiều doanh nghiệp cung ứng vật tư và thu mua, chế biến nông sản. Trong đó, phải kể đến Hợp tác xã Tia Sáng, Công ty cà phê Bazan Đắk Nông, Công ty An Phát, Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông… Những đơn vị này đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Đánh giá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bí thư Thành ủy Gia Nghĩa Nguyễn Đức Nguyên cho biết: "Trên địa bàn thành phố đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tốt, đáp ứng được định hướng phát triển nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương".

Người dân xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa) trồng hồ tiêu sinh thái

Mở rộng quy mô nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo Bí thư Thành ủy Gia Nghĩa Nguyễn Đức Nguyên, điều trăn trở nhất đối với thành phố hiện nay mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao người dân tại chỗ của địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, ít tiếp cận được. Bởi vì do thói quen canh tác nên người dân chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân khác là do thiếu vốn. Do đó, cần phải có thêm cơ chế chính sách để khuyến khích, hỗ trợ nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít. Hầu hết sản phẩm nông nghiệp làm ra chủ yếu xuất thô hoặc là phải thông qua một doanh nghiệp đầu mối để tiêu thụ. Chính vì vậy, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì cần phải thu hút được các doanh nghiệp, nhà máy chế biến nông sản. Muốn vậy, trước tiên, thành phố cần phải quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, doanh nghiệp. "Chiến lược chung của tỉnh và thành phố Gia Nghĩa về lâu dài phải có quy hoạch vùng nguyên liệu. Vì thế, thành phố phải mở rộng vùng nguyên liệu và quy mô chế biến, gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để tránh tình trạng được mùa mất giá”, đồng chí Nguyễn Đức Nguyên nhấn mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Nghĩa tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO