Mưu sinh từ nghề chẻ đá

Thanh Hằng| 04/01/2022 08:58

Qua bàn tay của người thợ, những khối đá lớn được chẻ thành từng phiến mỏng phục vụ xây dựng. Dù là công việc nguy hiểm nhưng phần lớn người làm nghề lại không có bảo hộ do đây chỉ là công việc tự do.

ADQuảng cáo

Bán sức, kiếm cơm từ đá

Tiếng búa tạ chát chúa phá tan khung cảnh yên bình của cánh đồng rộng lớn ở thôn Nam Tiến, xã Ea Pô (Cư Jút). Trên cánh đồng, một nhóm thợ 3 người làm việc cật lực dù đã gần đến giờ nghỉ trưa. Nhiều năm nay, nghề chẻ đá mang lại thu nhập cao cho lao động nông thôn, đặc biệt khi nhu cầu xây dựng của người dân tăng cao dù nhiều người phải đổi bằng thương tật vĩnh viễn.

Anh Nguyễn Văn Đông ở thôn 6, xã Đắk Wil (Cư Jút) là một thợ chẻ đá với 4 năm trong nghề. Nhờ kinh nghiệm nên chỉ bằng mắt thường, anh có thể biết chọn vị trí nào để gõ nhát búa đầu tiên vào mỗi khối đá - nhát búa quyết định sự thành công khi chẻ một tảng đá lớn.

Anh Đông cho biết, phần lớn đá ở Cư Jút là tận dụng, có sẵn trên đất của các hộ dân. Sau khi dọn dẹp vườn rẫy để lấy đất sản xuất hoặc xây nhà, những viên đá được chẻ nhỏ để phục vụ việc xây dựng hàng rào hoặc móng nhà. Trước đây, đá chỉ được làm vỡ bằng thuốc nổ nhưng để tận dụng đá cũng như đạt hiệu quả cao trong xây dựng, đá được chẻ thủ công thành từng phiến mỏng.

Anh Nguyễn Văn Đông có 4 năm kinh nghiệm trong nghề chẻ đá xây dựng

“Nếu đá bị làm vỡ bằng thuốc nổ thì sẽ cho ra đá hộc, khi xây dựng sẽ rất tốn kém mà móng nhà không chắc. Khi chẻ thủ công, người thợ sẽ tạo ra những phiến đá mỏng, đều nhau. Khi xây dựng, đá được xếp ngay ngắn, móng nhà sẽ chắc chắn hơn”, anh Đông giải thích về tên gọi đá chẻ.

Ông Cao Văn Toan ở thôn 5, xã Đắk Wil cũng mới vào nghề được gần 1 năm nay. Tận dụng thời gian nông nhàn, ông Toan cùng nhóm thợ chẻ đá rong ruổi khắp nơi để làm nghề. Đá chẻ có hai loại, đá đơn và đá đôi, giá mỗi viên đá hiện nay trên thị trường khoảng 2.000 - 5.000 đồng, tùy vào kích thước.

“Những người trẻ, có sức khỏe có thể kiếm được hơn nửa triệu đồng, tương đương khoảng 200- 250 viên đá/ngày. Riêng tôi chỉ tranh thủ trời tạnh ráo, rảnh rỗi việc nhà mới đi chẻ đá, mỗi ngày cũng kiếm được hơn 200.000 đồng, đủ để vợ chồng trang trải cuộc sống”, ông Cao Văn Toan, thợ chẻ đá 53 tuổi cho hay.

ADQuảng cáo

Tiềm ẩn rủi ro, thiếu đồ bảo hộ

Do công việc vất vả, dùng nhiều sức lực, đặc biệt là môi trường làm việc ngoài trời nên chỉ có nam giới mới theo nghề chẻ đá. Thợ chẻ đá thường đi theo tốp, làm việc tập trung ở bãi đất rộng lớn để tránh tiếng ồn ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Đồ nghề của thợ chẻ đá thủ công chỉ đơn giản là búa, nêm. Những năm gần đây, khi nhu cầu xây dựng tăng cao, thợ chẻ đá trang bị thêm chiếc máy đục cầm tay, vừa giảm sức lao động, vừa tăng thêm năng suất làm việc.

Đối với mỗi tảng đá lớn, người thợ lành nghề phải “bắt” được mạch đá trước khi dùng dây kẻ vạch. Từ đường vạch sẵn này, thợ chẻ đá đục từng lỗ nhỏ, rộng khoảng 2 cm, sâu 2-3 cm để đặt nêm.

Công đoạn quyết định nhất và đòi hỏi sự chính xác nhất là dùng búa tạ để đập vào nêm. Chiếc búa tạ giơ cao hơn đầu, đập từng nhát dứt khoát, tạo ra âm thanh chát chúa, từ từ tách khối đá xù xì thành các phiến đá mỏng, vuông vức. Đòi hỏi sự tỉ mỉ, dồn sức vào những nhát búa nên chẻ đá là công việc vất vả, nặng nhọc nhất.

Theo các thợ chẻ đá, phần lớn đá được tận dụng khi dọn dẹp vườn để sản xuất, xây dựng nhà

Ông Cao Văn Toan cho biết thêm, đồ nghề của thợ chẻ đá chỉ là chiếc búa, đôi găng tay và chiếc nón bảo hiểm. Thời gian làm việc mỗi ngày kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ nên càng cuối ngày, sức của thợ chẻ đá càng giảm. Đây cũng là thời điểm thường xảy ra tai nạn do thợ chẻ đá làm việc mất tập trung.

“Chuyện bị đá đè vào tay, chân là bình thường, nên lúc làm việc, thợ phải cẩn thận, tập trung cao độ. Trong trường hợp mệt quá thì phải nghỉ để tránh rủi ro”, ông Toan vừa thở, vừa nói ngắt quãng.

Trong khi đó, anh Hoàng Văn Hà, một thợ chẻ đá xã Nam Dong (Cư Jút) cho rằng, trong thời gian qua, nhiều thợ đã phải bỏ nghề vì bị chiếc nêm bật vào mặt, vào mắt gây thương tích nặng. Có trường hợp, thợ chẻ đá bị những mảnh đá nhỏ bắn thẳng vào mắt mà gây mù hoặc phải bỏ nghề do chấn thương nặng.

“Thợ chẻ đá chỉ có đôi găng tay làm đồ bảo hộ nên dễ xảy ra tai nạn nếu mất tập trung. Đổi lại, đây là công việc tự do về giờ giấc, thợ chẻ đá có thể tranh thủ mọi lúc để làm việc. Chẻ được bao nhiêu thì thu nhập bấy nhiêu, không bị khoán sản lượng nên rất thoải mái”, anh Hà tâm sự và cho biết thêm, anh dự định sẽ nghỉ việc chẻ đá khi bước sang tuổi 40, thời điểm mà rẫy cà phê của gia đình anh cho thu hoạch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưu sinh từ nghề chẻ đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO