Nhiều lợi ích từ cây đa mục đích

Kim Ngân| 11/08/2022 04:56

Những năm qua, nhiều người dân trong tỉnh đã chọn cây đa mục đích để phát triển mô hình nông lâm kết hợp. Cách làm này mang lại nhiều lợi ích, vừa giúp cải tạo môi trường, vừa tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.

ADQuảng cáo

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở NN-PTNT), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 56.239 ha đất có rừng ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, chủ yếu trồng cây đặc sản, cây đa mục đích, tương ứng tỉ lệ che phủ rừng là khoảng 7,5%.

Hằng năm, diện tích đất trồng cây đa mục đích ngày một tăng lên. Đây là xu hướng mang lại hiệu quả kinh tế được nông dân áp dụng, đặc biệt là các mô hình xen canh, nông lâm kết hợp, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Tại huyện Tuy Đức, thời gian qua, để thay những vườn điều già cỗi hay trồng xen canh, người dân chọn các giống điều ghép, cây mắc ca để trồng. Trong dịp Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ 19/5 vừa qua, người dân xã Đắk Ngo đã mua giống để trồng trên 40 ha điều.

Hộ anh Điểu Suốt, xã Đắk Ngo có 2 ha điều trồng giống thực sinh trên 25 năm tuổi. Trong dịp này, anh Điểu Suốt đã mua khoảng 1.000 cây điều ghép về trồng để thay thế giống cũ.

Còn gia đình anh Điểu Hanh, cũng ở Đắk Ngo, để phát triển kinh tế, gia đình anh cũng mua 1.000 cây điều ghép, trên 100 cây mắc ca về trồng để phủ xanh 2 ha đất đồi dốc.

Anh Điểu Hanh cho hay: “Mấy năm nay, cây điều và cây mắc ca mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn. Vì vậy, tôi đã mua giống cây này về trồng để tăng độ che phủ rừng, phát triển kinh tế”.

Cây điều giúp người dân xã Đắk Ngo (Tuy Đức) có thu nhập ổn định

Theo bà Lê Thị Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo, điều, mắc ca có những lợi thế như dễ trồng, phù hợp với trình độ canh tác của bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo

Những loại cây trồng này cần vốn đầu tư ít, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu đều cao. Do đó, địa phương luôn quan tâm đầu tư, phát triển các loại cây này.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, huyện Tuy Đức xác định phát triển kinh tế nông lâm là hướng đi bền vững cho địa phương. Trong đó, huyện ưu tiên phát triển cây lâm nghiệp đa mục tiêu như: điều, mắc ca, cao su, cây ăn quả đặc sản…

Ngoài Tuy Đức, những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển cây đa mục đích, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, giúp tăng tỉ lệ che phủ rừng.

Đặc biệt, tại các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô... luôn chú trọng phát triển mô hình nông lâm nghiệp bền vững. Ngoài tuyên truyền, vận động người dân đưa cây đặc sản, cây đa mục đích vào trồng, các địa phương còn tích cực hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức Hội thảo đầu bờ về kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca cho người dân xã Quảng Tâm (Tuy Đức)

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp, trong số 56.239 ha cây đa mục đích của tỉnh hiện nay có 6.749 ha điều, 562 ha cao su, 7.311 ha sầu riêng, 5.062 ha bơ, 5.624 ha cây mắc ca và các cây trồng khác…

Lợi nhuận từ cây đa mục đích mang lại cao hơn cây cà phê từ 10-40 triệu đồng/ha, tùy theo loại cây. Hiện nay, diện tích rừng trồng cây đặc sản, cây đa mục đích ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp không ổn định, có thể giảm hoặc tăng theo xu thế của thị trường.

Do đó, để cây đa mục đích góp phần giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng, ngành chuyên môn, các địa phương cần có giải pháp phát triển mô hình “nông lâm kết hợp” hợp lý, xây dựng thị trường đầu ra ổn định, giúp cây đa mục đích phát triển bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều lợi ích từ cây đa mục đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO