Những chuyển biến về nông nghiệp công nghệ cao ở Krông Nô

Văn Tâm| 07/06/2021 08:25

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) ở huyện Krông Nô đã có những chuyển biến tích cực. Huyện đặt mục tiêu hình thành, xây dựng các vùng sản xuất NNƯDCNC quy mô lớn, với định hướng tập trung vào “3 trục sản phẩm” chủ đạo.

ADQuảng cáo

Huyện Krông Nô là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh. Toàn huyện hiện có 52.571 ha đất nông nghiệp, chiếm 64,6% tổng diện tích tự nhiên trên địa bàn. Trong đó, diện tích gieo trồng hàng năm của huyện đạt trên 62.700 ha.

Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, với khoảng 48%. Việc ƯDCNC cao và kỹ thuật tiên tiến vào các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp là mục tiêu hàng đầu của huyện trong thời gian tới.

Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô) thu hoạch lúa đông xuân 2021

Điểm nhấn cây lúa

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện luôn chú trọng các hoạt động về xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo, tập huấn theo chiều sâu trên nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi khác nhau. Qua đó, năng suất, chất lượng của hầu hết cây trồng, vật nuôi được cải thiện đáng kể.

Đối với cây lúa nước, trong thời gian qua, huyện đã đưa một số giống lúa có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh vào gieo trồng đạt kết quả cao. Đến nay, năng suất lúa bình quân của huyện đạt 7,8 tấn/ha/vụ. Các giống lúa có chất lượng cao như: ST 24, ST 25, RVT, HT 01, Nam Định 5, LTH 37… chiếm tới 95% diện tích lúa toàn huyện.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã chuyển giao cho nông dân nhiều giống lúa thương phẩm và đạt kết quả cao, trong đó ấn tượng nhất là lúa ST 25. Theo đó, vụ đông xuân năm 2021, khoảng 15% diện tích lúa trên địa bàn là ST 25. Năng suất bình quân của loại lúa này đạt hơn 8 tấn/ha.

Đến nay, sản phẩm lúa gạo của huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Lúa gạo Krông Nô". Thương hiệu "Lúa gạo Krông Nô" ngày càng phát triển, khẳng định vị thế trên thị trường.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch giúp người dân giảm được chi phí trong sản xuất

Đến nay, rất nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đều biết và tin dùng sản phẩm gạo Krông Nô. Hiện giá gạo Krông Nô bán lẻ trên thị trường đạt trên 20.000 đồng/kg đối với gạo RVT; trên 22.000 đồng/kg đối với gạo ST 24 và trên 24.000 đồng đối với gạo ST 25.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, năm 2020, 2 đơn vị của huyện có sản phẩm gạo đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, một sản phẩm đạt thứ hạng 4 sao và một sản phẩm đạt 3 sao. Với thành tựu đó, năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận vùng sản xuất lúa xã Buôn Choáh (Krông Nô) là vùng sản xuất NNƯDCNC của tỉnh.

Tập trung vào “3 trục sản phẩm"

Ngoài cây lúa, từ năm 2011 đến nay, huyện Krông Nô còn tập trung đẩy mạnh việc ƯDCNC vào sản xuất đối với cây ngô, cây cà phê, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản...

Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Nô, sản xuất NNƯDCNC của huyện được người dân áp dụng chủ yếu ở một số lĩnh vực như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời vụ và một số máy móc phục vụ sản xuất.

Đối với một số khâu, công đoạn như thu hoạch, sơ chế, chế biến sau thu hoạch; liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp…thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

Năng suất lúa ST 25 ở Krông Nô hiện đạt bình quân trên 8 tấn/ha/vụ

Theo ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, trong thời gian tới, huyện sẽ thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư bằng nhiều hình thức. Huyện sẽ tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp giúp nông dân đẩy mạnh ƯDCNC vào các khâu trong sản xuất.

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình NNƯDCNC vào các lĩnh vực sản xuất, định hướng của huyện là: Phát huy lợi thế và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong đó, huyện tập trung vào “3 trục sản phẩm” gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm là sản phẩm đặc sản theo mô hình OCOP.

Huyện đặt mục tiêu, đến năm 2025, phát triển được từ 1.600 – 2.000 ha sản xuất NNƯDCNC. Trong đó, huyện hoàn thành 1 vùng sản xuất lúa CNC tại xã Buôn Choáh, với diện tích 600 ha; xây dựng một vùng sản xuất ngô F1 tại các xã Nâm N’đir – Đức Xuyên – Đắk Nang, với quy mô từ 400 – 500 ha; hoàn thành vùng sản xuất cây ăn trái ƯDCNC từ 300 – 400 ha; 2 vùng cà phê ƯCCNC khoảng 1.000 ha…

Những tiền đề mà huyện đặt ra đều dựa trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở sản xuất, giúp ngành Nông nghiệp từng bước phát triển và đạt kết quả cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chuyển biến về nông nghiệp công nghệ cao ở Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO