Nông dân bám đồng cho lúa bội thu

Văn Tâm| 03/03/2022 07:18

Tại các cánh đồng trên địa bàn tỉnh, các trà lúa đông xuân đang vào thời kỳ phát triển lá, đẻ nhánh và làm đòng. Bà con nông dân đang tập trung bám đồng, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh, giúp cây lúa phát triển tốt.

ADQuảng cáo

Tập trung cho giai đoạn quyết định

Gia đình ông Dương Văn Đức, thôn 2, xã Cư K’nia (Cư Jút), vụ đông xuân này xuống giống 3 sào lúa. Thời điểm này, ông thường xuyên bám đồng để theo dõi quá trình phát triển của cây lúa.

Tùy từng thời điểm, ông bón phân, điều tiết nước phù hợp cho ruộng lúa. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, diện tích lúa của gia đình ông đang phát rất tốt. "Lúa đang đẻ nhánh, làm đòng. Đây là thời điểm quyết định của cả mùa vụ, nên tôi theo dõi, chăm sóc rất sát sao", ông Đức chia sẻ.

Theo ông Đức, năm nay ông trồng giống lúa ST24. Giống lúa này có những ưu thế vượt trội, năng suất từ 7 - 8 tấn/ha, giá bán 9.000 đồng/kg lúa tươi, lợi nhuận từ 25 - 27 triệu đồng/ha.

Gia đình ông Dương Văn Đức, ở thôn 2, xã Cư K’nia (Cư Jút) thường xuyên bám đồng để chăm sóc lúa đông xuân

Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương, thôn 1, xã Cư K’nia, những vụ lúa hằng năm, bà luôn áp dụng biện pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”. Nhờ đó, ruộng lúa của gia đình bà luôn đạt năng suất cao, chất lượng lúa thương phẩm được đánh giá tốt.

Riêng vụ đông xuân này, bà chăm sóc lúa theo kỹ thuật do nhân viên khuyến nông hướng dẫn. Gia đình bà đang tập trung chăm sóc, theo dõi tình hình dịch bệnh, bảo đảm cho ruộng lúa phát triển tốt cho đến cuối vụ.

Theo bà Nguyễn Thị Út, Phó Chủ tịch UBND xã Cư K’nia, vụ đông xuân này, xã triển khai xây dựng mô hình lúa VietGAP gắn với OCOP, với diện tích 100 ha. Toàn bộ diện tích lúa đông xuân đang phát triển tốt, ít sâu bệnh, hứa hẹn được mùa.

Còn tại huyện Krông Nô, nông dân trên địa bàn đang hồ hởi chăm sóc lúa trên những cánh đồng mẫu VietGAP. Theo ông Doãn Gia Lộc, Quyền Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Krông Nô, huyện đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân chăm sóc lúa hiệu quả.

ADQuảng cáo

Trong đó, huyện đã chỉ đạo lực lượng khuyến nông thường xuyên bám đồng, bám ruộng để theo dõi quá trình phát triển, tình hình sâu bệnh trên cây lúa.

Bà Nguyễn Thị Phương, ở thôn 1, xã Cư K’nia (Cư Jút) phun dưỡng lá cho ruộng lúa đông xuân

Tiếp tục thay đổi cơ cấu giống lúa

Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện các chương trình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa về các địa phương.

Trong các vụ đông xuân trước, ngành Nông nghiệp các huyện Cư Jút, Krông Nô, Tuy Đức… đã xây dựng các mô hình trồng giống lúa lai như: ST24, ST25, Quy ưu 1, TH3 – 3, VT404, TẸ Vàng; RVT, PC6…

Các giống lúa này đã giúp người dân chuyển đổi cơ cấu lúa đạt hiệu quả cao. Đơn cử, giống lúa Đài thơm 8 được trồng khảo nghiệm năm 2017, tại 6 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đến vụ đông xuân này, bà con đã sản xuất đại trà.

Theo bà con nông dân, giống lúa Đài thơm 8 cho năng suất cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, nên phù hợp để canh tác trong vụ đông xuân.

Năng suất trung bình của lúa Đài thơm 8 đạt từ 7 -7,5 tấn/ha, giá bán từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận của lúa Đài thơm 8 đạt 21 triệu đồng/ha, cao hơn các giống lúa cũ tầm 5 triệu đồng.

Cũng theo ông Doãn Gia Lộc, vụ đông xuân này, huyện sẽ tuyển chọn một số giống lúa chất lượng cao, chịu hạn tốt như ST24, ST25, RVT, VS1... để đưa vào bộ giống chủ lực. Từ đó, huyện sẽ bảo vệ, duy trì nguồn giống tốt, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho nông dân.

Theo Sở NN - PTNT, trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 80% diện tích lúa lai mới. Các hộ trồng lúa đã áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm 3 tăng” (ICM), “1 phải, 5 giảm” hiệu quả. Qua đó, từng bước gúp các hộ trồng lúa có thu nhập ổn định hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân bám đồng cho lúa bội thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO