Quả ngọt trên vùng đất đá núi lửa

Kim Ngân| 26/12/2022 10:42

Một nông dân canh tác trên vùng đất đá thuộc khu vực núi lửa huyện Krông Nô đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây hoa màu sang quýt đường. Cách làm táo bạo này của anh đã thành công, mang lại thu nhập cao.

ADQuảng cáo

Trước đây, để có lương thực phục vụ gia đình, anh Hà Duy Tùng, ở thôn Quảng Hà, xã Nâm N’đir (Krông Nô), đã phải lật từng tảng đá, hốc đất để trỉa bắp, đậu. Với cách làm này, anh phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng hiệu quả sản xuất vẫn không cao.

Từ thực tế đó, anh đã tìm tòi, nghiên cứu nhiều cách để sản xuất hiệu quả hơn. Năm 2017, anh đã đi tham quan thực tế tại các tỉnh miền Tây để tìm hiểu về quy trình, kỹ thuật trồng cây ăn trái.

Anh tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quýt đường theo hướng hữu cơ, sinh học do ngành chức năng tổ chức. Từ kiến thức học được, anh mạnh dạn đầu tư trồng 800 cây quýt đường trên vùng đất đá núi lửa.

Với cách làm đột phá này, ít năm sau, vườn quýt đường đã giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định. Đây là kết quả của 20 năm mà anh gắn bó, kiên trì bám trụ với vùng đất đá núi lửa.

Anh Tùng cho biết: “Khu vực đất sản xuất ở đây có rất nhiều đá, địa hình đồi dốc. Tôi đã trải qua nhiều mùa vụ trồng bắp, đậu, cà phê, nhưng không đem lại hiệu quả. Chỉ có cây ăn quả là tỏ ra phù hợp với vùng đất này”.

Mô hình trồng quýt đường của anh Hà Duy Tùng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Dù đã thành công lớn, nhưng anh Tùng vẫn muốn tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất đối với vườn quýt của mình. Anh không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức, nắm vững kỹ thuật, quy trình phát triển của cây quýt.

Từ đó, anh đưa ra phương pháp chăm sóc phù hợp để vườn quýt cho trái to, mọng nước, có vị ngọt thanh, múi không bị khô sượng, quả đẹp mắt.

ADQuảng cáo

Hiện sản phẩm quýt đường của anh Tùng không chỉ phổ biến trong tỉnh mà người tiêu dùng các tỉnh như: Đà Nẵng, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh... cũng thường xuyên đặt hàng.

Vườn quýt 800 cây của anh luôn cho năng suất cao. Cụ thể, mỗi năm anh thu hơn 100kg quả/cây. Quýt đường có giá bán dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Với vườn quýt của mình, mỗi năm anh thu về gần 1 tỷ đồng.

Từ thành công này, anh Tùng đang thực hiện kế hoạch mở rộng thêm 20 ha quýt đường trên điện tích đất của gia đình. Để thực hiện được điều đó, anh mong muốn các cá nhân, doanh nghiệp liên kết, hợp tác xây dựng vùng chuyên canh quýt đường theo phương pháp hữu cơ để cung cấp sản phẩm chất lượng cao ra thị trường.

Anh Tùng đang dự tính liên kết tạo vùng sản xuất quýt đường quy mô lớn

Theo ông Lý Mạnh Hùng, Chi Hội trưởng Chi Hội Nông dân thôn Quảng Hà, hiện tại trong thôn vẫn còn nhiều diện tích đất đá, đồi dốc, khó canh tác các loại cây lương thực.

Chi hội đang vận động bà con học tập mô hình sản xuất của anh Tùng để chuyển đổi cây trồng hợp lý, giúp tạo nguồn thu nhập ổn định. Chi hội đã tham khảo, lựa chọn các mô hình hiệu quả và giới thiệu để hội viên thực hiện chuyển đổi cây trồng.

Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình trồng cây ăn trái trên những khu vực đất đá núi lửa và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cam, bưởi, ổi, na.... Chi hội đã giúp bà con tham khảo các mô hình này để có thể áp dụng vào phát triển kinh tế của gia đình.

"Từ sự nhẫn nại, chịu khó, anh Tùng đã biến mảnh đất khô cằn, nhiều đá trở thành mô hình phát triển kinh tế nhiều triển vọng. Đây là một trong những mô hình trồng cây ăn trái trên đất đá núi lửa rất hiệu quả, cần được nhân rộng để giúp bà con thoát nghèo", ông Hùng cho biết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quả ngọt trên vùng đất đá núi lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO