Sản xuất chanh dây theo hướng an toàn, bền vững

Kim Ngân| 30/03/2022 08:42

Trước những đòi hỏi nâng cao giá trị sản phẩm, nhiều hộ trồng chanh dây trên địa bàn tỉnh đã tập trung sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

ADQuảng cáo

Trong 2 năm qua, giá chanh dây trên thị trường luôn ổn định ở mức cao, dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Chanh dây loại lớn phục vụ thị trường xuất khẩu có giá 22.000 đồng/kg.

Giá chanh dây ổn định, khiến nhiều hộ dân cũng thay đổi cách sản xuất loại cây trồng này. Ông Lê Văn Tình, ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) cho biết, trước đây, ông có diện tích chanh dây khá lớn.

Tuy nhiên, do giá loại cây trồng này xuống thấp, cuộc sống của gia đình trở nên bấp bênh, nên ông đã phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Hiện nay, gia đình ông đang khôi phục lại vườn chanh dây để tăng thêm thu nhập.

Người dân xã Đắk Ha (Đắk Glong) tập trung nâng cao chất lượng chanh dây để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Ông không còn đầu tư dàn trải với diện tích lớn như trước đây. Thay vào đó, ông Tình chỉ trồng khoảng 5 sào chanh dây. Ông tập trung chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn, bền vững.

"Trồng ít, chanh dây có rớt giá thì thiệt hại sẽ ít hơn. Nhờ sản xuất an toàn, nên nhiều cơ sở chế biến chanh dây đã tìm đến gia đình tôi để ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra", ông Tình chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Thế, ở xã Trường Xuân (Đắk Song), hiện đang chăm sóc hơn 3 sào chanh dây. Theo ông Thế, trồng chanh dây hiện nay không còn gặp nhiều rủi ro như những năm trước.

ADQuảng cáo

Ông Lê Văn Tình, xã Đắk Ha (Đắk Glong), thu hẹp diện tích chanh dây để sản xuất an toàn, bền vững

Một phần là do nông dân đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh cho cây chanh dây. Mặt khác, những năm gần đây, các cấp, ngành chuyên môn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao các loại giống sạch bệnh, năng suất cao cho người trồng.

Cùng với đó, quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho chanh dây cũng được ngành chuyên môn hướng dẫn đúng cách. Người dân cũng sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để chăm sóc vườn cây.

Ông Thế cho biết: “Nếu mọi người thấy chanh dây tăng giá mà đổ xô trồng lại thì cũng không tránh khỏi tình trạng cung vượt cầu, rớt giá như trước đây. Do đó, gia đình tôi trồng với diện tích nhỏ, nhưng theo hướng bền vững".

Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 1.000 ha chanh dây, sản lượng ước đạt 20.000 tấn/năm. Diện tích chanh dây tập trung chủ yếu ở huyện Đắk Glong, Đắk Song, Gia Nghĩa... Trên địa bàn tỉnh cũng có 20 cơ sở sản xuất, sơ chế cấp đông sản phẩm chanh dây để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Sở NN-PTNT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số công ty chuyên sản xuất chanh dây được tỉnh cấp phép và đi vào hoạt động. Một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền máy móc, kho bãi với công suất lớn, hiện đại, có thể chế biến chanh dây với khối lượng hàng trăm tấn trong ngày.

Có doanh nghiệp đã xây dựng được thị trường xuất khẩu chanh dây dài hạn, với các đối tác lớn, có sản lượng không giới hạn. Một số đơn vị đã xúc tiến xây dựng chính sách đầu tư, liên kết sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu chanh dây.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp cũng định hướng cho người trồng chanh dây phát triển sản xuất phù hợp điều kiện địa phương, tập trung thâm canh để đáp ứng nhu cầu thị trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất chanh dây theo hướng an toàn, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO