Tập trung kiểm soát dịch tả heo châu Phi

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 30/03/2022 08:43

Từ đầu năm đến nay, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xảy ra tại một số địa bàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ra diện rộng. Do đó, ngành chức năng, người dân đang tập trung kiểm soát loại dịch bệnh này, bảo đảm chăn nuôi an toàn.

ADQuảng cáo

Tại huyện Đắk Mil, từ giữa tháng 2/2022, DTHCP đã xảy ra tại 2 thôn Minh Đoài và Mỹ Hòa, xã Đức Minh, làm 13 con heo của 2 hộ dân chết phải tiêu hủy. Đến ngày 1/3/2022, dịch bệnh này lại xảy ra tại thôn Xuân Tình, xã Đắk Sắk, làm 3 con heo của 1 hộ dân phải tiêu hủy...

Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, huyện đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp kiểm soát DTHCP. Trong đó, các lực lượng chức năng đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, tiêu độc khử trùng, tiêu hủy vật nuôi bị chết đúng quy định.

Chính quyền cấp cơ sở cũng đã vận hành ngay lực lượng ứng phó với dịch bệnh động vật, lập các chốt kiểm soát dịch, kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật, tiêu độc khử trùng...

Từ ngày 15/3-15/4, cơ quan chuyên môn, các địa phương đồng loạt tiêu độc, khử trùng cho môi trường chăn nuôi

Việc tuyên truyền để người dân nêu cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch được huyện đẩy mạnh, nhất là qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở. "Dù đã nỗ lực, nhưng đến nay, DTHCP trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp", ông Hoàng cho biết.

Theo Sở NN - PTNT, DTHCP đã xuất hiện rải rác tại một số địa bàn. Ngoài 2 xã ở huyện Đắk Mil, tại các xã Nam Đà, Nâm Nung (Krông Nô) cũng đã xảy ra DTHCP.

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 66 con heo của 7 hộ dân ở một số huyện mắc DTHCP, buộc phải tiêu hủy. So với cùng kỳ năm 2021, số hộ, số thôn, số xã có heo mắc DTHCP đều nhiều hơn, số lượng heo mắc bệnh phải tiêu hủy cũng lớn hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, điều này cho thấy, những nguy cơ lớn của mầm bệnh đang tiềm ẩn. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

ADQuảng cáo

Năm 2021, DTHCP xảy ra tại 139 hộ chăn nuôi heo, làm cho 4.031 con heo mắc bệnh, buộc tiêu hủy. Đắk Nông hiện có đàn heo khoảng 320.000 con. Do chưa có vắc xin phòng DTHCP, nên đàn heo vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mắc bệnh, nhất là tại những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

​Cũng theo bà Tình, ngoài những nỗ lực của ngành chức năng, người dân cần đẩy mạnh áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tốt nguyên tắc “5 không” trong phòng, chống dịch.

Người dân không được giấu dịch; không mua bán, vận chuyển; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý cho heo ăn; không vứt heo chết ra ngoài môi trường. 

Khi xuất hiện heo ốm hay chết bất thường, bà con cần báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời có biện pháp xử lý, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Người dân cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống DTHCP

Hiện nay Sở NN-PTNT đang triển khai Tháng tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường. Theo đó, từ ngày 15/3-15/4, các huyện, thành phố đều đồng loạt thực hiện các hoạt động nhằm tiêu diệt các mầm bệnh tại các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao.

Việc diệt mầm bệnh sẽ được tập trung nhiều ở các chợ buôn bán động vật, đường mòn lối mở, cửa khẩu, khu chăn nuôi tập trung... Trong khoảng thời gian này, hộ dân, doanh nghiệp cũng chú ý triển khai các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, vật dụng, phương tiện nhằm tạo môi trường an toàn cho vật nuôi.

Các trạm kiểm dịch động vật nội địa, trạm kiểm dịch động - thực vật tại các cửa khẩu cũng tăng cường lực lượng làm tốt công tác giám soát, kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật vào địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung kiểm soát dịch tả heo châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO