Từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cà phê

Thanh Nga| 15/08/2022 09:38

Nhiều nông dân, doanh nghiệp đang chú trọng khâu chăm sóc, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê. Tỉnh Đắk Nông cũng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch giúp người dân sản xuất cà phê hiệu quả, chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Năm 2019, anh Hoàng Châu Việt Vũ, ở thôn 4, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), áp dụng phương pháp sản xuất Natural đối với 5 ha cà phê robusta. Theo đó, quá trình chăm sóc vườn cà phê, anh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu.

Anh thu hoạch cà phê khi tỉ lệ quả chín đạt từ 80% trở lên. Trong 3 năm qua, mỗi năm anh thu về 12 tấn cà phê nhân, trong đó có 6 tấn cà phê được chứng nhận đạt chất lượng Cà phê đặc sản Việt Nam.

Đối với 6 tấn cà phê đặc sản, anh bán với giá 125.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường. 6 tấn cà phê chất lượng cao còn lại, anh bán với giá 67.000 đồng/kg, cũng cao hơn giá thị trường khoảng 20.000 đồng/kg.

Theo tính toán của anh Vũ, với 5 ha cà phê, sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu về khoảng 400-500 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận cao so với bối cảnh sản xuất cà phê nhiều năm qua.

Anh Hoàng Châu Việt Vũ, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), áp dụng phương pháp sản xuất cà phê Natural

Anh Vũ cho biết, để cà phê được đánh giá có chất lượng tốt hay đặc sản, người trồng phải áp dụng các tiến bộ khoa học từ quá trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến.

Riêng anh đã tìm tòi, học hỏi và thay đổi cách sản xuất cà phê để tăng chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn, từ năm 2019, anh đầu tư 300m2 nhà kính và 300m2 sàn bê tông phơi cà phê thay vì chỉ phơi trên nền đất như trước kia.

Anh cũng học hỏi cách ủ để hạt cà phê lên men tự nhiên, học kỹ thuật rang để giữ hương thơm tự nhiên cho cà phê. Từ đó, anh tạo ra được các sản phẩm cà phê bảo đảm chất lượng cao.

Hiện nay, nhu cầu đặt hàng của đối tác đối với cà phê đặc sản ngày càng tăng, nhưng nguồn cung của gia đình anh không đủ. Vì thế, anh đang tập hợp nông dân để cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, tiến tới thành lập tổ hợp tác, HTX cùng sản xuất cà phê chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Anh kỳ vọng sẽ tạo được vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao trên địa bàn. Từ đó, anh cùng bà con đầu tư, chế biến sâu các sản phẩm cà phê để cung cấp cho thị trường trong nước, xuất khẩu.

Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX DANOFARM, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cho biết, thay đổi thói quen sản xuất cà phê tiêu cực là điều mà HTX đã hướng tới trong nhiều năm qua.

HTX đã nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê theo hướng chất lượng cao. Cụ thể, HTX hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê sạch, thu hoạch chín, phơi trên giàn lưới hoặc trong nhà kính.

HTX thu mua cà phê chất lượng cao với giá tốt để khuyến khích nông dân sản xuất cà phê sạch. Hiện nay, HTX đang đầu tư rang, xay cà phê bột chất lượng cao để xuất bán tới nhiều tỉnh, thành phố.

HTX DANOFARM (Đắk Glong) tập hợp nông dân trồng cà phê sạch

Đắk Nông có trên 130.340 ha cà phê, sản lượng khoảng 330.000 tấn/năm. Nhiều năm qua, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh. Thế nhưng, tỉnh còn nhiều diện tích cà phê được sản xuất theo kiểu đại trà, chất lượng chưa cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, tỉnh định hướng người dân, HTX, doanh nghiệp tập trung sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm cà phê. Từ đó, làm động lực để giúp nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao.

Tỉnh đang triển khai nhiều chương trình, kế hoạch khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển hạ tầng, kỹ thuật sản xuất, chế biến để xây dựng chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao.

Cùng với nỗ lực của tỉnh, bà con nông dân, các HTX, doanh nghiệp cũng cần bảo đảm sản xuất cà phê theo các quy trình an toàn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, 4C…

Sản xuất cà phê phải có chỉ dẫn địa lý, đăng ký sử dụng, có mã số, mã vùng trồng, tem truy xuất nguồn gốc... để đáp ứng thị trường thế giới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO