Xây dựng nông thôn mới: Khi người dân đồng thuận

Hồng Thoan| 02/07/2018 15:23

Xây dựng nông thôn mới (NTM) được xem là chương trình xuyên suốt, dài hơi nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ hạ tầng nông thôn, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất cũng như đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.

ADQuảng cáo

Với ý nghĩa đó, trong những năm qua, ngoài việc lồng ghép hiệu quả các chương trình, đề án, các cấp, ngành địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận, nhất quán trong hành động nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM đề ra.

Bảng hiệu tuyên truyền nông thôn mới ở xã Nghĩa Thắng (Đắk R'lấp)

Tuyên truyền là giải pháp hàng đầu

Với phương châm người dân là chủ thể chính trong xây dựng NTM, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư trong việc đóng góp nguồn lực để xây dựng, phát triển nông thôn.

Là địa phương mới được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) đã coi tuyên truyền, vận động là giải pháp trọng tâm để tạo sự đồng thuận trong triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ. Theo đó, hàng năm, dựa vào các điều kiện thực tế, xã đưa ra mục tiêu phấn đấu đạt các tiêu chí khác nhau.

Từ mục tiêu chung ấy, địa phương nhấn mạnh các nội dung trọng tâm để xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo các chuyên đề cụ thể. Từ các tiêu chí, xã đã xác định các nhóm đối tượng để tuyên truyền và phân công cho các thành viên ban chỉ đạo, đoàn thể, thôn, bon làm nòng cốt vừa tuyên truyền, vừa nêu gương đi đầu trong thực hiện…

Đến nay, toàn xã đã huy động được hơn 280 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 142,2 tỷ đồng, vốn đóng góp, hiến đất, cây trồng và ngày công của nhân dân với gần 90 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn hợp pháp khác. Đặc biệt, nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong toàn dân nên nhiều tiêu chí về NTM của địa phương đạt cao so với quy định chung như: Tiêu chí trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư…

Theo ông Nguyễn Thế Dân, Phó Trưởng Ban Phát triển NTM thôn Quảng Thuận, xã Nghĩa Thắng thì có thể khẳng định, NTM là chương trình có nhiều tiêu chí bao trùm trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong khi đó nguồn lực nhà nước đầu tư không nhiều. Do đó, thôn xác định chỉ có tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân để bà con hiểu đúng về bản chất chương trình là do mình làm, mình hưởng thì sẽ thành công. Bằng nhiều cách thức tuyên truyền như qua các cuộc họp thôn, tổ dân cư, sinh hoạt đoàn thể, qua ti vi, đài, báo, dần dần bà con trong thôn đều tích cực hưởng ứng.

ADQuảng cáo

Ông Dân cho hay: “Tuyên truyền, vận động để đạt mục đích mong muốn phải bảo đảm yêu cầu “đúng, trúng, hay”. Truyền tải, phản ánh những quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân một cách trung thực, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, hấp dẫn, dễ thực hiện nhưng hiệu quả mang lại phải cao nhất”.

Tương tự, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Đắk Mil cũng đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt phương thức tuyên truyền lồng ghép, xen kẽ, vận dụng mọi cơ hội, điều kiện có thể, để tuyên truyền về NTM. Cụ thể như qua các buổi lễ, chương trình lớn, các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao ban, nói chuyện chuyên đề, qua các hội thi và các hoạt động văn hóa xã hội khác. Địa phương cũng phát huy vai trò của Đài phát thanh huyện, hệ thống loa truyền thanh, các báo, tạp chí để “làm dày” vốn thông tin về NTM cho cán bộ và nhân dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lũy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil thì thực hiện phương châm "cả hệ thống chính trị làm công tác tuyên truyền", mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên là một tuyên truyền viên, ngoài việc chú trọng xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở chuyên nghiệp, Đắk Mil còn phát huy lực lượng tuyên truyền viên là giáo viên, cán bộ hưu trí, chức sắc tôn giáo để tuyên truyền về xây dựng NTM. Chính nhờ hiệu quả công tác tuyên truyền, nên địa phương ngày càng huy động được nguồn lực lớn cho xây dựng NTM.  Đến hết năm 2017, huyện Đắk Mil đạt 13,56 tiêu chí/xã, tăng 1,44 tiêu chí/xã so với năm 2016.

Người dân khám bệnh bằng BHYT tại Trạm y tế xã Nghĩa Thắng (Đắk R'lấp)

Nhiều khả năng... "vượt đích"

Năm 2017 tỉnh Đắk Nông đã đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra về NTM. Cụ thể, số xã đạt chuẩn NTM tăng lên 5 xã. Bình quân toàn tỉnh, mỗi xã đạt 11,84 tiêu chí/xã, vượt 0,14 tiêu chí/xã so với kế hoạch đề ra của năm 2017. So với năm 2016, bình quân mỗi xã tăng 0,81 tiêu chí.  Cụ thể, có 10 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 16,39%;  3 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, chiếm 4,92%; 32 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, chiếm 52,46% và 16 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, chiếm 26,23%, không có xã dưới 5 tiêu chí.

Trên cơ sở kết quả đạt được, theo UBND tỉnh, ước thực hiện đến hết năm 2018, toàn tỉnh sẽ có 17/61 xã đạt chuẩn về NTM và bình quân mỗi xã đạt 12,8/19 tiêu chí. Với kết quả này, dự kiến chỉ tiêu về NTM toàn tỉnh sẽ vượt kế hoạch đề ra. Đây là kết quả từ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc tập trung nguồn lực để phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Theo đánh giá, có được kết quả này là nhờ thời gian qua các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị - xã hội và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc tích cực hơn trong công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng về xây dựng NTM có chuyển biến tích cực, rõ nét. Chính vì vậy, việc xây dựng NTM ngày càng đi vào thực chất, mang tính chiều sâu, bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển toàn diện theo hướng bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới: Khi người dân đồng thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO