Ðẩy mạnh tuyên truyền xử lý rác thải nông nghiệp

Kim Ngân| 20/12/2022 08:31

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thu gom rác thải nông nghiệp. Điều này đã góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

ADQuảng cáo

Phong trào thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp trong những năm qua được Sở NN – PTNT và Hội Nông dân tỉnh phối hợp triển khai, đạt được kết quả nhất định.

Hoạt động này giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trở thành phân bón, thức ăn cho gia súc. Đây là hướng đi tốt cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

Theo Sở NN – PTNT, ước tính trung bình mỗi năm, toàn tỉnh sử dụng khoảng 475.000 tấn phân bón, 620 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, người sản xuất đã thải ra môi trường hàng chục tấn bao bì, vỏ chai lọ đã qua sử dụng. Loại rác thải này đã gây ô nhiễm không khí, môi trường, nước, đất.

Ông Nông Văn Tăng ở xã Cư K’nia (Cư Jút) sử dụng bể chứa rác để bỏ chai lọ thuốc BVTV

Hàng năm, sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng thải ra khoảng 950.000 tấn phế phẩm nông nghiệp. Đây là nguồn nguyên liệu có thể tái tạo để sản xuất phân bón hữu cơ có chất lượng.

Sử dụng nguyên liệu này sẽ giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường và hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, thực tế, các nông hộ chưa khai thác tốt nguồn nguyên liệu này.

Trước thực tế đó, nhằm lan tỏa rộng rãi việc thu gom rác thải, sử dụng phế phẩm nông nghiệp, nhiều địa phương đã thực hiện các phong trào bảo vệ môi trường tại khu vực sản xuất, cộng đồng dân cư.

Gia đình ông Vũ Hữu Đào, thôn 2, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) đã sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh để chăm sóc cho 2,2 ha cà phê. Theo ông Đào, thông qua các lớp tập huấn, ông nắm vững kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê.

Nhờ vậy, ông đã tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Cách làm này cũng tăng năng suất cây trồng từ 20-50%, hạn chế sâu bệnh, cải tạo tăng độ tơi xốp cho đất.

ADQuảng cáo

Người dân xã Buôn Chóah thu gom rơm để làm lớp phủ trồng trọt và trồng nấm

Tại xã Cư K’nia (Cư Jút), trên các cánh đồng, nương rẫy, nhiều bể thu gom chai lọ, bao bì được bố trí thuận lợi, giúp nâng cao ý thức  bảo vệ môi trường của người dân.

Ông Nông Văn Tăng, người dân trong xã cho hay: “Từ khi có bể thu gom rác đặt ở cánh đồng, các chai lọ, bao bì dùng xong là tôi bỏ vào đấy. Cách làm này rất thuận lợi cho việc thu gom rác của bà con”.

Trên địa bàn huyện Cư Jút hiện có gần 100 bể thu gom rác thải được lắp đặt tại các xã Cư K’nia, Trúc Sơn, Ea Pô... Đây là những mô hình thí điểm để người dân tập kết rác thải, tạo sự lan tỏa trong việc bảo vệ môi trường của người dân.

Hội thảo đầu bờ về ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê do Hội Nông dân xã Trường Xuân (Đắk Song) tổ chức

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, để phong trào thu gom rác thải phát triển rộng rãi, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Các địa phương, đơn vị cần xây dựng các chuyên đề, phóng sự phổ biến chủ trương, biện pháp, mục đích, ý nghĩa của việc thu gom rác thải cũng như hiệu quả của việc sử dụng phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và mỗi người dân là một tuyên truyền viên kết hợp với hành động thiết thực trong công tác thu gom rác thải nông nghiệp.

Các cấp, ngành, địa phương cần xây dựng các chương trình nhằm khuyến khích, tuyên dương, nhân rộng các sáng kiến, mô hình điển hình trong quản lý chất thải từ sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, nông dân là chủ thể trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nên phải tự nâng cao trách nhiệm của bản thân với môi trường và sức khỏe con người.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðẩy mạnh tuyên truyền xử lý rác thải nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO