Krông Nô tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đức Hùng| 08/09/2020 08:29

Thời gian qua, huyện Krông Nô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo động lực phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

ADQuảng cáo

Liên tục cải thiện nguồn giống

Từ năm 2015 đến nay, UBND huyện Krông Nô đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 20 chương trình, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao  trên địa bàn. Cụ thể, năm 2012 huyện thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu trồng lúa lớn tại xã Buôn Choáh. Sau đó, huyện phát triển cánh đồng lúa này theo tiêu chuẩn VietGAP, với trên 200 ha. Đến nay, huyện tiếp tục triển khai cánh đồng mẫu VietGAP trên diện tích khoảng 500 ha và hình thành vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của Krông Nô.

Ngô giống F1 giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người dân

Năm 2019, sản phẩm lúa gạo Buôn Choáh được cấp nhãn hiệu tập thể "Lúa gạo Krông Nô". Sản phẩm gạo của huyện Krông Nô đến nay đã được nhiều người biết đến, tiếp cận được với các thị trường ở Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền trung. Giá lúa được sản xuất ở Krông Nô vài năm trở lại đây luôn ở mức cao, đạt từ 7.000 - 8.000 đồng/kg lúa tươi, cải thiện thu nhập đáng kể cho người trồng lúa...

Sau nhiều năm sản xuất, giống lúa RVT đã bị nhiễm sâu bệnh, thoái hóa, kém năng suất. Do đó, ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô đã triển khai giống lúa ST24 (do tỉnh Sóc Trăng sản xuất) để bà con canh tác khảo nghiệm.

Vụ hè thu năm 2018, huyện đã tổ chức khảo nghiệm thành công giống lúa ST24 và triển khai sản xuất theo VietGAP tại xã Buôn Choáh. Kết quả, sản phẩm lúa gạo ST24 có chất lượng cao hơn so với lúa RVT. Giống lúa này cũng kháng sâu bệnh rất tốt và sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Giá lúa ST24 thương phẩm cao hơn lúa RVT và hiệu quả sản xuất cũng cao hơn 5-7 triệu đồng/ha/vụ. Đến nay, lúa ST24 tại xã Buôn Choáh đạt trên 50% diện tích cánh đồng và đang dần thay thế giống lúa RVT.

Đối với cây ngô, năm 2012, UBND huyện Krông Nô phối hợp với Công ty Cổ phần hạt giống CP Việt Nam trồng khảo nghiệm 2 ha ngô F1 tại xã Đức Xuyên. Sau 2 năm triển khai, kết quả khảo nghiệm được hoàn tất và huyện đã triển khai cho bà con trồng đại trà giống ngô F1. Bà con đã trồng ngô F1 theo mô hình chuỗi giá trị. Người dân cũng đã bắt đầu chuyển từ sản xuất ngô thương phẩm sang sản xuất ngô giống để nâng cao hiệu quả kinh tế.

ADQuảng cáo

Theo bà con nông dân, năng suất ngô F1 đạt trung bình từ 7,5 - 8 tấn/ha/vụ, mang lại thu nhập bình quân trên 62 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn ngô thông thường tầm 20 triệu đồng/ha/vụ. Hiện nay, diện tích liên kết sản xuất ngô F1 ở Krông Nô đã đạt hơn 500 ha và ngày càng được phát triển, mở rộng thêm, nhất là các xã Đức Xuyên, Nâm N’đir, Đắk Nang...

Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Nô, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho người dân, nhiều năm qua, địa phương luôn tìm tòi, cải thiện nguồn giống các các loại cây trồng, vật nuôi. Điển hình nhất là các loại cây trồng như lúa, ngô, sắn, đậu, bơ, cà phê và các giống bò, heo, dê... đã được ngành Nông nghiệp huyện thay đổi giống theo hướng có chất lượng cao. Nhờ đó, sản xuất của bà con đạt hiệu quả tích cực, ổn định và cải thiện được thu nhập đáng kể.

Nâng giá trị các cây trồng chủ lực

Cây công nghiệp dài ngày vẫn là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao của người dân huyện Krông Nô. Đến cuối năm 2019, diện tích công nghiệp dài ngày của huyện là trên 30.000 ha. Trong đó, cà phê có khoảng 18.427 ha, với sản lượng đạt 56.563 tấn/năm. Thực hiện chương trình tái canh cà phê bền vững, huyện đã áp dụng các giống cà phê mới như TR4, TR9, TR11, TS1 để bà con sản xuất thay thế giống cũ. Đến nay diện tích cà phê giống mới ước đạt khoảng trên 3.000 ha.  

Cây ăn trái trên địa bàn huyện đang có khoảng trên 1.000 ha. Ngành Nông nghiệp huyện đã thực hiện cải tạo giống bơ cũ, kém chất lượng bằng những giống bơ mới có chất lượng cao. Chẳng hạn như huyện đã hỗ trợ 3.210 chồi bơ giống Gem Hass, Pinkerton... để bà con ghép cải tạo, thay thế các giống bơ mỡ, bơ nước chất lượng kém. Huyện cũng hỗ trợ đầu tư, triển khai thực hiện sản xuất bơ theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 15,5 ha.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện đang có nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao và đã được triển khai nhân rộng như: rau an toàn, nấm, dâu nuôi tằm, sâm cau, đinh lăng, mật ong... Huyện Krông Nô đã phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ các HTX, tổ chức sản xuất và các hộ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, xây dựng vùng sản xuất được chứng nhận để truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Đến năm 2025, huyện Krông Nô sẽ phát triển được 1.600 - 2000 ha nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Huyện cũng sẽ hoàn thành vùng sản xuất lúa tập trung tại xã Buôn Choáh - Nâm N’đir, với quy mô 400-600 ha; vùng ngô giống F1 tại Nâm N`đir - Đức Xuyên - Đắk Nang, với 400-500 ha; vùng sản xuất bơ và cây có múi ứng dụng công nghệ cao từ 300 - 400 ha. Huyện cũng đặt mục tiêu hình thành 2 vùng sản xuất cà phê với khoảng 1.000 ha. Các sản phẩm nông nghiệp của huyện đều gắn với chế biến sau thu hoạch, phát triển thành các sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao của địa phương.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp công nghệ cao là phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai của địa phương. Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, nguồn thu nhập lớn và ổn định cho bà con nông dân... Do đó, huyện Krông Nô đang tích cực triển khai các giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện mục tiêu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO