Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản

Linh Thư| 18/02/2022 09:04

Trong thực tế cuộc sống, khi một bên có hành vi vô ý hoặc cố ý xâm phạm tài sản, lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại, cho dù giữa các bên không ký kết hợp đồng hoặc có ký kết nhưng thiệt hại xảy ra không liên quan đến nội dung giao kết hợp đồng. Khi xảy ra thiệt hại ngoài hợp đồng, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

ADQuảng cáo

Ông Bùi Văn H có thuê rẫy của ông Trần Văn Ng, ở thôn 7, xã Quảng Khê (Đắk Glong) để làm trong thời gian 10 năm. Sau khi thuê, ông H có đốt dọn rẫy để canh tác nhưng do bất cẩn đã làm cháy lan sang rẫy ông Nguyễn Văn Th ở kế bên. Đám cháy làm hư hỏng ống tưới, một số cây trồng như dâu, mít, cà phê… của ông Th với tổng trị giá thiệt hại là gần 22,5 triệu đồng.

Khi xảy ra thiệt hại, ông H có lắp đường ống nước để khắc phục nhưng do ống không bảo đảm nên ông Th không nhận và trả lại cho ông H. Số ống trên vẫn nằm trên vườn của ông Th và không ai đụng đến. Thời gian sau, hàng xóm của ông H mượn ống tưới nhưng không biết nên đã lấy số ống này về sử dụng.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, ông Th đã khởi kiện ông H và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình. Qua quá trình giải quyết vụ án, ông H thừa nhận mình là người gây thiệt hại và đã lắp đặt ống nước khác để khắc phục hậu quả nên được trừ giá trị thiệt hại tương ứng là 4,55 triệu đồng. Do đó, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Đắk Glong đã buộc ông H có trách nhiệm bồi thường hơn 17,9 triệu đồng còn lại cho ông Th và phải chịu án phí dân sự sơ thẩm của vụ án.

Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Krông Nô xét xử sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp về yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cụ thể, bà Phạm Thị Ánh M, ở tổ dân phố 2, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) yêu cầu UBND huyện Krông Nô bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản cho mình.

ADQuảng cáo

Theo bà M, UBND huyện Krông Nô đã có một số sai phạm trong quy hoạch và thu hồi đất làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích kinh tế, quá trình công tác của bà. Đơn cử, khi cơ quan tổ chức cưỡng chế kiểm đếm làm mẹ bà M hoảng loạn ngất xỉu, gây sốc tâm lý mỗi khi thấy đám đông thì bỏ chạy, dẫn đến bị té, phải điều trị tâm lý dài ngày. Bà M đã phải bỏ thời gian theo đuổi việc khiếu nại tố cáo nên bỏ bê công việc vườn tược, mất chi phí thuê luật sư, viết đơn thư, đi lại nhiều lần…

Qua tính toán, bà M yêu cầu được bồi thường tổng cộng hơn 961 triệu đồng, UBND huyện phải phục hồi danh dự, các danh hiệu thi đua cho bà và tổ chức nơi bà làm việc…

Hội đồng xét xử xét thấy, việc UBND huyện phê duyệt các dự án làm đường và quảng trường có sự nắn tuyến theo hướng xâm phạm vào đất đai của gia đình bà M là có thật. Tuy nhiên, trên thực tế, UBND huyện chưa có biện pháp cưỡng chế hay ra các quyết định hành chính ngăn cản bà M sử dụng, quản lý đất, tài sản trên đất cũng như xâm phạm đến sức khỏe của bà M và người thân của bà.

Theo đó, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Krông Nô đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà M, buộc UBND huyện phải bồi thường cho bà 11,544 triệu đồng là chi phí gửi đơn, thuê người viết đơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO