Cảnh giác với lời hứa lo "chạy" việc

Thanh Hằng| 17/02/2022 08:55

Liên tục trong thời gian qua, nhiều nạn nhân tại TP. Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong phản ánh việc một người phụ nữ tên Q. nhận tiền để “chạy” việc. Tuy nhiên, khi nhận tiền, người này không thực hiện như lời hứa và dây dưa không trả lại tiền cho các nạn nhân.

ADQuảng cáo

Tiền mất tật mang

Hơn 2 năm nay, 3 người dân tại huyện Đắk Glong phải sống trong cảnh chật vật khi chưa nhận lại được số tiền gần 500 triệu đồng đã đưa cho một người phụ nữ tên Q. (trú tại TP. Gia Nghĩa) với mục đích xin vào làm việc tại một đơn vị công lập. Lời hứa không được thực hiện, số tiền cũng bị người này giữ lại khiến cả 3 người khốn khổ trăm bề.

Chị Lan (tên nạn nhân đã được thay đổi), 1 trong 3 người đã đưa tiền cho Q. kể lại, thông qua giới thiệu của một người bạn ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong), chị cùng 2 người khác đã đưa cho Q. số tiền trên với mong muốn sớm có việc làm và làm đúng với ngành nghề được đào tạo. Tuy nhiên, 2 năm trôi qua, kể cả khi kỳ xét tuyển viên chức đã kết thúc được gần 1 năm, cả 3 đều không đạt được kết quả như lời hứa hẹn.

“Ngày đó, chị Q. giới thiệu công tác ở một cơ quan nhà nước và quen biết người này, người kia nên chúng tôi đã đồng ý đưa tiền. Sau khi biết việc không thành, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ Q. để nhận lại tiền nhưng người này viết giấy vay nợ, hứa đến cuối năm 2021 trả hết tiền gốc song đến nay chưa trả. Thậm chí có một người vì mẹ ốm thập tử nhất sinh, muốn lấy lại hết số tiền để đưa mẹ đi bệnh viện mà chị Q. chỉ trả 5 triệu đồng rồi hứa khi nào có sẽ trả tiếp”, chị Lan cho hay.

Không nên tin vào những lời giới thiệu của các đối tượng để tránh mất tiền, mất của. Ảnh minh họa

Cảnh giác hơn, chị Dương Thị Thu Hoài (trú TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã không đưa tiền cho người phụ nữ này để chạy việc. Năm 2019, chị Hoài có nhu cầu làm việc tại một cơ sở y tế trên địa bàn TP. Gia Nghĩa. Trong thời gian chờ hồ sơ dự tuyển viên chức được xét duyệt, thông qua giới thiệu, chị Hoài có gặp một người phụ nữ tên Q. Người này hứa sẽ lo cho chị Hoài vào vị trí làm việc mong muốn với số tiền hơn 100 triệu đồng và đề nghị đưa trước 50 triệu đồng để thu xếp.

ADQuảng cáo

“Để tạo niềm tin, người phụ nữ này cho tôi xem những tin nhắn mà chị ta nói rằng là nhắn tin với “sếp”. Sau đó, trong lúc gặp mặt ở quán cà phê, người này đề nghị tôi đưa trước 50 triệu đồng để lo việc. Tuy nhiên, khi phát hiện tôi ghi hình lại buổi gặp mặt đó, người này đã bỏ về và cắt đứt liên lạc với tôi”, chị Hoài kể lại.

Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Một luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông cho biết, trong thời gian qua, đơn vị của ông có nhiều nạn nhân đến đề nghị giúp đỡ lấy lại tiền đã đưa cho Q. nhờ “chạy” việc. Nhiều nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng vì nhẹ dạ và muốn có việc sớm nên chấp nhận đưa cho Q. số tiền lớn nhưng sau đó không thực hiện được.

Vị luật sư này phân tích, về phương diện pháp lý, Q. chỉ là một lao động tự do, không liên quan đến những đơn vị mà các nạn nhân muốn xin vào làm việc. Tuy nhiên, thông qua lời nói, tin nhắn, Q. đã đưa ra những thông tin để tạo niềm tin, đồng thời nhận số tiền lớn của các nạn nhân mà không thực hiện đúng như lời hứa. Hành vi này có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cũng theo luật sư, hiện nay, tình trạng lừa đảo "chạy" việc đang diễn ra khá phức tạp tại nhiều địa phương. Các đối tượng lừa đảo thường dùng chung thủ đoạn là giới thiệu mình là cán bộ, hoặc quen biết với lãnh đạo của các ngành và có khả năng xin được việc. Tuy nhiên, thực tế, các ngành này đều có quy trình thi tuyển, xét tuyển nghiêm ngặt nên người dân nên cảnh giác, không nên tin vào những lời giới thiệu của các đối tượng để tránh mất tiền, mất của.

Liên quan đến đối tượng Q. mà các nạn nhân đã phản ánh, vào năm 2020, đối tượng này đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông xét xử và tuyên phạt tù giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân, đối tượng này hiện vẫn đang được tạm hoãn thi hành án.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với lời hứa lo "chạy" việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO