Dang tay hỗ trợ người lầm lỗi

Hoàng Thanh| 08/04/2022 09:08

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giúp người từng lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời. Trong đó, huyện Krông Nô được đánh giá cao về việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, địa phương xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một hoạt động có ý nghĩa về chính trị, mang tính nhân văn sâu sắc. Ngoài ra, công tác này còn góp phần xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Trên tinh thần đó, Huyện ủy, UBND huyện Krông Nô đã chỉ đạo Công an huyện Krông Nô triển khai có hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù này.

Cụ thể, mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” (gọi tắt là mô hình 5+1) được tổ chức thí điểm tại xã Nam Đà (Krông Nô) từ năm 2019 với sự vào cuộc tích cực và đồng bộ của nhiều lực lượng, đoàn thể như: công an, hội phụ nữ, đoàn thanh niên.

Thành viên mô hình 5+ 1 xã Nam Đà (Krông Nô) thăm hỏi, động viên người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương

Theo Đại úy Lê Thành An, Trưởng Công an xã Nam Đà, với vai trò nòng cốt, lực lượng công an xã đã tích cực tuyên truyền, động viên những người lầm lỡ sớm thích ứng với cuộc sống khi tái hòa nhập cộng đồng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho họ. Ngoài việc được cấp lại căn cước công dân, bảo hiểm y tế…, họ còn được giới thiệu việc làm để có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đơn cử như trường hợp Nguyễn Văn H, bị phạt 3 năm tù giam, sau khi trở về địa phương đã được giới thiệu cho một tiệm sửa chữa xe máy tại địa bàn. Với tay nghề giỏi, cộng với sự cần cù, sau 1 năm anh H đã có cuộc sống ổn định. Không những thế, anh H còn trở thành là một thành viên tích cực trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

ADQuảng cáo

Cũng theo Đại úy Lê Thành An, từ khi đi vào hoạt động đến nay, mô hình đã tiếp nhận, quản lý giáo dục, giúp đỡ được 35 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù về địa phương không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, mô hình đã kết nối với các công ty, doanh nghiệp giới thiệu học nghề 2 trường hợp, 4 trường hợp khác làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn với thu nhập ổn định. Nhiều người còn trở thành những nhân tố tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội tại địa phương.

Từ kết quả đạt được, Công an huyện Krông Nô đã chỉ đạo công an các xã, thị trấn tham mưu xây dựng, nhân rộng mô hình ra 12/12 xã, thị trấn và hiện nâng cấp thành mô hình cấp huyện.

Sau khi nhân rộng, mô hình 5+1 tại huyện Krông Nô đã tổ chức gặp gỡ động viên trên 100 lượt; kiểm điểm, giáo dục 58 lượt người chấp hành xong án phạt tù có tư tưởng bi quan, tiêu cực, giúp họ từ bỏ ý định tái phạm tội. Lực lượng công an huyện, xã đã tham mưu chính quyền địa phương tổ chức gặp gỡ định kỳ được 18 đợt, 560 lượt người tham gia.

Mô hình còn hỗ trợ tư vấn tâm lý, hướng nghiệp được 379 lượt; hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính như cấp lại căn cước công dân, bảo hiểm y tế được 156 lượt; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tiếp nhận làm việc 14 trường hợp, tạo thu nhập ổn định bình quân trên 5 triệu đồng/1 tháng; kết nối với các công ty, doanh nghiệp giới thiệu học nghề 22 trường hợp.

Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 236 đối tượng bị tòa án nhân dân các cấp xét xử, kết án tù giam; 379 người chấp hành xong án phạt tù; trong đó có 180 trường hợp về địa phương trình diện, 86 trường hợp được xóa án tích và 16 trường hợp tái phạm tội với mức độ ít nghiêm trọng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dang tay hỗ trợ người lầm lỗi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO