Hậu quả chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Hiền Ny| 06/05/2022 08:08

Trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải thuộc vào những trường hợp mà pháp luật quy định, nếu không sẽ được xem là trái luật và phải bồi thường thiệt hại.

ADQuảng cáo

Bà Nguyễn Thị Thu P ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với trường THCS trên địa bàn huyện, với công việc dạy học. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bà P luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một giáp viên môn Toán, không hề vi phạm kỷ luật lao động, quy chế nhà trường. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm công tác, bà nhận được thông báo của hiệu trưởng nhà trường về việc chấm dứt hợp đồng lao động với lý do định mức giáo viên môn Toán đã đủ.

Bà P cho rằng, căn cứ lý do trên để chấm dứt hợp đồng lao động là trái pháp luật nên đã làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Bà P yêu cầu hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà do quyết định trên là trái pháp luật, buộc trường phải nhận bà trở lại làm việc và chi trả đầy đủ các khoản lương, trợ cấp từ ngày bị nghỉ việc đến khi nhận lại làm việc. Đồng thời, nhà trường phải bồi thường cho bà tiền thiệt hại tổn thất tinh thần tổng cộng hơn 54 triệu đồng.

Đại diện theo pháp luật của trường THCS cho biết, thực hiện theo công văn của UBND huyện, trường đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công việc của bà P là dạy học, thời gian làm việc là 8 giờ/ngày. Trường là đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện quản lý, việc ký hợp đồng lao động và chấm dứt hợp đồng lao động khi có văn bản chỉ đạo của UBND huyện, không phải do nhà trường quyết định.

Do đó, khi nhận được văn bản của UBND huyện về việc chấm dứt hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục (trong đó có tên của bà P) thì lãnh đạo nhà trường và ban chấp hành công đoàn cơ sở, toàn thể giáo viên, người lao động trong trường đã tiến hành họp bàn và thực hiện các thủ tục để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà P theo đúng quy định.

Theo đại diện UBND huyện, huyện căn cứ vào báo cáo của Sở Nội vụ, văn bản của UBND tỉnh và một số văn bản mật của UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ để ban hành văn bản về việc chấm dứt hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục trong huyện. Trường THCS ban hành quyết định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà P là đúng quy định của pháp luật.

Tại bản án lao động sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh Đắk Nông đều không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà P. Tuy nhiên, tại Quyết định giám đốc thẩm, TAND cấp cao tại TP. HCM đã quyết định hủy toàn bộ các bản án trên, giao hồ sơ về cho TAND huyện xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

ADQuảng cáo

Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và có yêu cầu bổ sung: buộc bị đơn phải xin lỗi công khai về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định, đây là tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động theo điểm a, b khoản 1 Điều 32 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Hiệu trưởng trường THCS đã căn cứ công văn của UBND huyện để ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà P. Lý do được nói đến là định mức giáo viên bộ môn Toán đã đủ theo quy định. Việc cho rằng điều này thuộc lý do bất khả kháng là không đúng pháp luật, không đúng với quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012, Điều 12 Nghị định số 44 và Nghị định số 5 của Chính phủ. Bởi lẽ, đây là lý do bất khả kháng. Hơn nữa trong trường hợp này phải do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên.

Ngoài ra, trong các năm tiếp theo, trường THCS này vẫn được giao 52 biên chế sự nghiệp là không có căn cứ chứng minh trường buộc phải thu hẹp công tác giảng dạy, giảm chỗ làm việc theo quy định. Sau này, Phòng GD-ĐT huyện còn ban hành quyết định điều động giáo viên ở trường khác đến tiếp nhận công tác tại trường.

Đối với trình bày của UBND huyện về báo cáo của Sở Nội vụ và văn bản của UBND tỉnh là văn bản triển khai từ Công văn 989 của UBND tỉnh. Công văn này chỉ có giá trị từ khi được ban hành, không có hiệu lực hồi tố đối với trường hợp của bà P đã ký hợp đồng lao động từ trước đó. Báo cáo của Sở Nội vụ và văn bản của UBND tỉnh không có nội dung đề cập đến việc thu hẹp việc giảng dạy đối với trường THCS; không có nội dung đề cập đến định mức giáo viên Toán đã đủ; không có nội dung chấm dứt hợp đồng lao động đã ký kết với bà P từ trước đó.

Do đó, trường THCS đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà P là trái pháp luật. Trường phải trả tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm trong những ngày không được làm việc cho bà P tổng cộng hơn 367 triệu đồng. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần và xin lỗi công khai, Điều 42 của Bộ luật Lao động không quy định về những khoản bồi thường trên, đây không phải là hậu quả trực tiếp của việc chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và phía nguyên đơn không cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh thiệt hại nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Khi người lao động có căn cứ cho rằng bản thân bị người sử dụng lao động sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì có quyền khiếu nại quyết định đó với người sử dụng lao động, cơ quan quản lý lao động hoặc yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động, khởi viện vụ việc ra tòa án để đòi quyền và lợi ích chính đáng của bản thân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu quả chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO