Quyết liệt "trảm" hàng giả, hàng kém chất lượng

Lê Dung| 14/02/2022 09:04

Hoạt động chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại mặc dù được các cấp, ngành tập trung triển khai, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Điều này cần sớm được khắc phục, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

ADQuảng cáo

Nhiều bất cập

Năm 2021, ngành Nông nghiệp đã thực hiện 3 cuộc thanh tra. Qua đó đã lấy được 72 mẫu sản phẩm hàng hóa; trong đó có 12 mẫu không đạt chất lượng, 5 mẫu kém chất lượng và 7 mẫu không bảo đảm chất lượng. Đơn vị đã tiến hành xử lý vi phạm đối với 30 trường hợp, với tổng số tiền là 150 triệu đồng.

Một số vật tư nông nghiệp không có hoá đơn chứng từ bị lực lượng Quản lý thị trường tạm giữ

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, tình trạng vi phạm về vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV), giống và an toàn thực phẩm trên địa bàn vẫn xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, việc xử lý trong lĩnh vực này vẫn ở mức khá thấp, tính răn đe chưa cao.

Một bất cập khác được đại diện Công an tỉnh cho biết, lực lượng chức năng hầu như không khó khăn gì trong thanh, kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, khâu xử lý lại đang gặp nhiều bất cập. Trong đó, lực lượng chức năng phải đi lấy mẫu khảo nghiệm. Các mẫu thường phải đưa lên Trung tâm III ở TP. HCM để kiểm tra và thời gian trả lời phải ít nhất 1 tuần.

Do vậy, sau khi mẫu khảo nghiệm chắc chắn kết quả kém chất lượng, hàng hoá gần như đã đưa ra thị trường, ảnh hưởng lớn đến người dân.

Trong năm, BCÐ 389 đã thực hiện kiểm tra, phát hiện và xử lý được 1.580 vụ, đối tượng; trong đó, xử lý hình sự 158 vụ; xử lý hành chính 1.415 vụ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 18,3 tỷ đồng.

Đẩy mạnh công tác phối hợp

ADQuảng cáo

Tại Hội nghị tổng kết mới đây của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh (BCĐ 389), nhiều giải pháp triển khai nhiệm vụ hiệu quả trong năm tới sẽ được làm rõ.

Trong đó, vấn đề được nhắc tới nhiều nhất đó là về công tác phối hợp trong hoạt động thanh, kiểm tra. Mặc dù, vấn đề này được triển khai thường xuyên, nhưng vẫn còn có nơi, có những đơn vị chưa thực sự thực hiện nghiêm túc. Một số đơn vị là thành viên của BCĐ, nhưng hầu như chưa triển khai hoặc tham gia một hoạt động nào.

Ông Lương Hồng Hà, Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, trong công tác phối hợp liên ngành cần phải làm rõ được các nội dung là đơn vị nào chủ trì, đơn vị nào phối hợp.

Từ đó sẽ cho thấy rõ, đơn vị chủ trì đã chủ động yêu cầu các đơn vị phối hợp kiểm tra chưa. Các đơn vị phối hợp đã chủ động tham gia thực hiện nhiệm vụ hay không.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT chia sẻ thêm: “Các đơn vị cần nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp. Đơn cử như, trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, do hàm lượng các chất kém chất lượng thấp, nên việc xác định rất khó khăn. Do vậy, trong công tác thanh, kiểm tra rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như: Quản lý thị trường, Công an, KHCN… để kịp thời phát hiện và ngăn chặn”.

Theo ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, về vấn đề xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, pháp luật luôn có đủ các chế tài. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, còn có một số biện pháp gửi các cơ quan có thẩm quyền để rút hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Lê Văn Chiến, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo, trong năm 2022, các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố cần quyết liệt trong xử lý vi phạm.

Đặc biệt, khi kiểm tra 3 mặt hàng về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, nếu phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, phải rút ngay giấy phép kinh doanh. Trường hợp nào nghiêm trọng chuyển cơ quan điều tra để khởi tố hình sự.

“Trong năm, tất cả các cửa hàng, đại lý kinh doanh 3 mặt hàng này của tỉnh đều phải được thanh, kiểm tra. Nhất quyết phải “điểm mặt, chỉ tên” được các cơ sở vi phạm”, ông Lê Văn Chiến nhấn mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt "trảm" hàng giả, hàng kém chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO