Sốt đất và những "biến chứng" đáng lo ngại ở Đắk Song

Thanh Hằng| 09/05/2022 14:14

Chỉ trong vòng 1 năm, thị trường bất động sản tại địa bàn huyện Đắk Song thu hút nhiều nhà đầu tư, khiến giá đất tăng “phi mã”, kéo theo nhiều hệ lụy. Không chỉ mất tình làng nghĩa xóm, nhiều vùng quê còn đối diện với nguy cơ mất an ninh trật tự khi liên tục xảy ra các vụ tranh chấp, mâu thuẫn.

ADQuảng cáo

Bất ngờ bị chiếm đất

Mới đây, ông Y Minh Nia ở bản Đắk Lép, xã Nâm N'Jang (Đắk Song) có đơn trình báo với UBND xã khi bất ngờ bị một nhóm người lạ mặt tới uy hiếp và dựng hàng rào xung quanh đất của gia đình. Sự việc có dấu hiệu phức tạp khi hai bên có lời qua, tiếng lại và sẵn sàng tấn công nhau khi có hung khí sẵn trong tay.

Theo đơn trình báo, ông Y Minh cho biết, từ khoảng năm 2003, gia đình ông sinh sống trên phần đất nằm tại bản Đắk Lép và đã xây nhà ở kiên cố, đất vườn, nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích hồ khoảng 7.000 m2.

Trong quá trình đăng ký kê khai với các cơ quan có thẩm quyền và đang tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì bất ngờ bị nhóm người lạ tới “chiếm đất”.

Ông Y Minh (bên trái) cho biết phần đất của gia đình bất ngờ bị nhóm người lạ đến rào, chắn và trồng cây

Ông Y Minh trình bày: “Khoảng 8h ngày 24/4, một nhóm 10 nam thanh niên cùng với các loại công cụ, vũ khí tụ tập phía ngoài đường gần cổng nhà ông. Sau khoảng 30 phút, nhóm thanh niên xông vào phần đất của gia đình dùng khoan, dao, rựa, búa, máy tiến hành phát cỏ, khoan lỗ, chôn trụ bê tông, rào dây kẽm gai. Sự việc tiếp tục tái diễn vào ngày 27/4, nhóm đối tượng trên mang nhiều cây mít đến trồng lên phần đất trên”.

Cạnh nhà ông Y Minh, ông Phan Văn Chính là chủ sử dụng thửa đất số 05 có diện tích 2.450 m2, được cấp sổ đỏ ngày 7/4/2009. Thế nhưng, vào ngày 24/4, nhóm 10 thanh niên trên cũng mang theo nhiều dụng cụ để khoan, chôn trụ bê tông, dây thép gai, phát ranh, đóng cọc, rào lưới trên phần đất của gia đình ông Chính đang sử dụng.

Phát hiện sự việc, ông Chính cùng nhiều người dân xung quanh đứng ra ngăn cản. Tuy nhiên, nhóm người này cho biết, phần đất đang dựng rào chắn đã được nhóm này mua lại từ hàng xóm của ông Chính. Việc mua bán được thực hiện bằng giấy viết tay với diện tích 12.000 m2, bao gồm một phần đất đã được Nhà nước công nhận cho ông Chính.

Mâu thuẫn kéo dài, người dân liên tục gửi đơn đến UBND xã Nâm N'Jang đề nghị giúp đỡ

Hệ lụy từ đất

ADQuảng cáo

Theo UBND xã Nâm N’Jang, chỉ trong vòng 1 tuần, xã đã tiếp nhận 10 đơn thư có nội dung giải quyết tranh chấp đất đai. Tình trạng này kéo dài và có xu hướng gia tăng khi thị trường bất động sản của xã Nâm N’Jang có nhiều biến động.

Ông Phạm Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang cho biết: “Phần lớn các nhà đầu tư đều từ các tỉnh phía Nam đến đây mua đất để xây dựng các công trình. So với thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020 thì giá đất tại địa phương đã tăng 3 - 4 lần, thậm chí là 5 lần nếu vị thế đẹp và không gian hồ. Không chỉ gây ra tình trạng sốt đất, việc mua bán, sang nhượng đất đai còn dẫn đến nhiều hệ lụy, khiến địa phương rất căng thẳng và mệt mỏi”.

Dẫn chứng về việc này, ông Nam cho rằng, chỉ từ đầu năm 2022 tới nay, việc các nhà đầu tư tìm mua những diện tích đất có hồ, có suối tự nhiên hoặc có nhiều cây cối đã dẫn tới tình trạng ngang nhiên mua bán đất do Nhà nước quản lý. Ngay tại bản Đắk Lép, đã có rất nhiều giao dịch đất đai, tất cả đều mua bán bằng giấy viết tay, không được chính quyền địa phương công nhận. Đồng thời với đó là những tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài giữa các hộ dân với nhau.

Theo UBND xã Nâm N'Jang, tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn giữa các hộ dân phát sinh do thị trường bất động sản có nhiều biến động

Đối với trường hợp của ông Chính và ông Y Minh, theo Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang, khu vực trên đã được các gia đình sử dụng từ lâu. Trước tình trạng nhóm đối tượng lạ tới tự ý dựng cọc, rào chắn, chính quyền địa phương và công an xã đã ngăn chặn, yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm.

Tăng cường ngăn chặn, xử lý

Riêng những hành vi mua bán, sang nhượng, lấn chiếm đất rừng, UBND xã Nâm N’Jang phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc san lấp trên diện tích đất rừng với mục đích kinh doanh, buôn bán, sang nhượng, chuyển nhượng đất trái phép.

Tương tự, ngày 3/5, Công an xã Đắk Hòa (Đắk Song) đã triệu tập hai đối tượng để làm rõ về hành vi hủy hoại tài sản. Cụ thể, ngày 21/3, nhóm đối tượng do Đoàn Xuân Kết (SN 1989, trú tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil) cầm đầu đã đến rẫy của gia đình anh Nguyễn Sinh Thành (ở thôn Tân Bình, xã Đắk Hòa) và châm lửa đốt cháy một nhà rẫy, chặt phá một số cây trồng. Mục đích nhằm uy hiếp người dân phải bán rẫy theo giá của các đối tượng đưa ra.

Công an xã Đắk Hòa mới đây triệu tập 2 đối tượng có hành vi hủy hoại tài sản để uy hiếp người dân bán đất

Theo ông Trần Văn Được, Chủ tịch UBND xã Đắk Hòa, tình trạng sốt đất diễn ra “nóng” nhất trong tháng 2 và tháng 3, từ đó xuất hiện nhóm đối tượng lạ mặt đến địa phương để uy hiếp người dân phải bán đất với giá mà nhóm này đưa ra. Nắm bắt thông tin, UBND xã Đắk Hòa đã đề nghị công an xã tăng cường công tác quản lý, nắm bắt địa bàn để sớm ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm phạm luật.

“Đối với nhóm đối tượng của Đoàn Xuân Kết, sau khi triệu tập, Công an xã Đắk Hòa đã bàn giao đối tượng cho Công an huyện Đắk Song tiếp tục điều tra xử lý. Bên cạnh đó, địa phương cũng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các giao dịch mua bán theo quy định, tránh tình trạng sốt đất và các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự”, ông Được cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sốt đất và những "biến chứng" đáng lo ngại ở Đắk Song
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO