Yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn

Hiền Ny| 18/03/2022 09:28

Khi ly hôn, quyền nuôi con thường được hai bên bố mẹ tự thỏa thuận hoặc theo quyết định của Toà án. Sau ly hôn, nếu một trong hai bên bố mẹ thấy người kia không còn đủ điều kiện nuôi con thì có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định của pháp luật.

ADQuảng cáo

Chu Thị N (SN 1985) và ông Phan Văn T (SN 1988) kết hôn và sống chung với nhau tại huyện Đắk R’lấp. Trong thời gian sống chung, hai bên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên năm 2020, bà N khởi kiện ly hôn ông T và được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đắk R’lấp giải quyết. Hai con chung Phan Thị Như Y (SN 2006) và Phan Văn Th (SN 2013) được giao cho ông T nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục đến tuổi trưởng thành.

Sau khi được giao các con, ông T không quan tâm, chăm sóc con chu đáo. Ông T đã đuổi con ra khỏi nhà nên cháu Phan Thị Như Y đã nghỉ học. Bà N cho rằng việc giao con cho ông T không bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng nên đề nghị Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con chung. Bà N yêu cầu Tòa án giải quyết cho bà được nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Y đến tuổi trưởng thành và không yêu cầu ông T cấp dưỡng nuôi con. Qua xem xét và cháu Y có nguyện vọng được ở với mẹ, đồng thời ông T cũng đồng ý giao con cho bà N chăm sóc. Do đó, TAND huyện Đắk R’lấp đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N, quyết định giao con chung là cháu Y cho bà nuôi dưỡng, chăm sóc.

Tranh minh họa. Nguồn: internet

Cũng yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn, nhưng ông Nguyễn Hải Đ lại không được Tòa án chấp nhận do không có đủ căn cứ và điều kiện thuyết phục. Theo đó, năm 2012, ông Đ (SN 1975) kết hôn và chung sống với bà Lâm Thị Ph (SN 1983) tại thị trấn Ea T’ling (Cư Jút). Do cuộc sống chung phát sinh nhiều mâu thuẫn nên năm 2018 hai bên đã ly hôn. TAND huyện Cư Jút đã quyết định giao hai con chung là cháu Nguyễn Sĩ Ng và Nguyễn Hữu Q (cùng SN 2013) cho bà Ph được quyền trực tiếp nuôi dưỡng. Ông Đ có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng cho mỗi cháu 1 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Sau ly hôn, ông Đ cho rằng bà Ph phải đi thuê nhà trọ, thay đổi chỗ ở nhiều lần nên không bảo đảm điều kiện chăm sóc các con, làm ảnh hưởng đến việc phát triển bình thường của các con. Hơn nữa, ông Đ cho rằng, việc bà Ph chung sống với một người đàn ông khác và người này có hành vi đánh đập, ngược đãi cháu Ng. Ông Đ cũng cho rằng mình có nhà cửa, nghề nghiệp ổn định nên khởi kiện buộc bà Ph phải giao lại hai con hoặc ít nhất một con là cháu Nguyễn Sĩ Ng cho ông trực tiếp nuôi dưỡng và không chấp nhận phải chịu nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo bản án đã quyết trước đó.

Là người được quyền trực tiếp nuôi dưỡng hai con, bà Ph cho rằng mình đã chăm sóc các con trong điều kiện môi trường tốt và được học hành tử tế. Về phía ông Đ là người công tác xa nhà. Dù đã ly hôn, ông Đ vẫn có hành vi gây gổ chửi bới bà. Ông Đ còn đánh nhau, gây rối ở nơi công cộng và bị Công an thị trấn Ea T’ling xử phạt hành chính. Do đó, bà Ph yêu cầu TAND không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đ.

Mặt khác, qua xác minh của Tòa án, chủ nhà trọ nơi bà Ph từng sinh sống xác nhận không có việc ngược đãi cháu Ng như lời khai của ông Đ. Hiện bà Ph đang sống ổn định cùng hai con tại nhà trọ ở thị trấn. Bà Ph cũng là giáo viên có thu nhập ổn định. Về phía ông Đ, ông hay gây gổ với những hàng xóm xung quanh và từng bị xử phạt hành chính vì đánh nhau. Ông Đ cũng không tự nguyện chấp hành nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, bị cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp trừ vào lương hàng tháng. Nơi công tác của ông Đ lại cách nhà ở khoảng 40 km. Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử thấy, điều kiện nuôi con của ông Đ là chưa bảo đảm. Do đó, yêu cầu khởi kiện của ông Đ là không có căn cứ để chấp nhận nên Hội đồng xét xử TAND huyện Cư Jút đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Đ.

Theo quy định pháp luật hôn nhân và gia đình, bố mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con chung chưa thành niên. Do đó, khi xét xử các vụ án tranh chấp về nuôi con chung, tùy từng trường hợp, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Hội đồng xét xử sẽ xem xét, cân nhắc quyết định giao con chung cho bố hay mẹ là người nuôi dưỡng. Quyết định này dựa trên cơ sở bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của trẻ, tránh làm xáo trộn môi trường sống cũng như ảnh hưởng đến tâm lý phát triển bình thường của trẻ sau này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO