Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, kết quả còn hạn chế

Hồng Thoan| 05/06/2019 10:50

Những năm gần đây, với sự vào cuộc của lực lượng chức năng đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số vụ việc được phát hiện, xử lý còn ít do còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

ADQuảng cáo

Một cá thể diều núi do người dân giao nộp được Kiểm lâm tỉnh thả về tự nhiên trong năm 2018. Ảnh do Kiểm lâm tỉnh cung cấp

Triển khai nhiều giải pháp

Thời gian qua, tình trạng người dân săn bắt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm còn xảy ra ở không ít địa phương. Nguyên nhân là do nhu cầu của một bộ phận người dân có điều kiện về kinh tế muốn thưởng thức các sản phẩm từ ĐVHD quý hiếm. Lợi nhuận từ hoạt động săn bắt, mua bán ĐVHD cao nên nhiều đối tượng cố tình vi phạm. Cùng với đó, trong số đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc di cư vào, nhiều người có thói quen săn bắt ĐVHD để làm thức ăn, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức… càng tác động đến sự tồn tại của các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền vận động người dân bảo vệ ĐVHD. Cơ quan chức năng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phương án, phối hợp với các lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập khẩu, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng ĐVHD trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, lực lượng chuyên ngành như công an, bộ đội biên phòng, kiểm lâm, chủ rừng cũng đã vận động người dân sinh sống ở vùng đệm các khu rừng, khu bảo tồn thiên nhiên tham gia bảo vệ, bảo tồn các loài ĐVHD. Các lực lượng cũng tăng cường phối hợp với nhau để tổ chức tuần tra, chốt chặn, kiểm soát hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép ĐVHD nguy cấp, quý hiếm trên các địa bàn trọng điểm, phức tạp, khu vực biên giới, cửa khẩu.

Chỉ tính trong năm 2018, Công an tỉnh đã vận động người dân giao nộp 274 súng tự chế, 2 súng thể thao có khả năng săn bắt ĐVHD. Lực lượng Kiểm lâm tỉnh tổ chức hơn 5.800 đợt tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, 386 cuộc họp dân với gần 15.000 lượt người dự và tổ chức cho gần 3.800 người dân ký cam kết không săn bắt, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ĐVHD.

Phát hiện, xử lý ít

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm về quản lý, bảo vệ ĐVHD quý hiếm, nguy cấp của tỉnh vẫn chưa đạt nhiều kết quả, chưa phản ánh hết thực tế ngoài cuộc sống, số vụ bị phát hiện, xử lý còn ít.

ADQuảng cáo

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, lực lượng công an đã phát hiện, bắt 2 vụ, 2 đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm và đã khởi tố 1 vụ, 1 đối tượng với mức án 1 năm 3 tháng tù; xử lý hành chính 1 vụ, 2 đối tượng, phạt 5 triệu đồng. Cũng thời gian trên, lực lượng công an phối hợp với Kiểm lâm tỉnh phát hiện, bắt 3 vụ, 5 đối tượng và đã xử lý hành chính 3 vụ, 5 đối tượng, phạt 26 triệu đồng.  

Hành vi chủ yếu là buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD và sản phẩm ĐVHD, phần lớn thuộc nhóm IIB như cheo cheo và các loại thông thường như dúi, heo rừng, kỳ tôm, rắn, chồn, cây vòi hương. Lực lượng chức năng của tỉnh đã tiêu hủy 55 cá thể ĐVHD đã chết và 3,3 kg sản phẩm ĐVHD, thả lại môi trường tự nhiên 1 cá thể ĐVHD.

Một cá thể diều núi do người dân giao nộp được Kiểm lâm tỉnh thả về tự nhiên trong năm 2018. Ảnh do Kiểm lâm tỉnh cung cấp

Không ít hạn chế, bất cập

Nói về những hạn chế trong công tác bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lê Vinh Quy cho biết: "Công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD quý hiếm có lúc chưa thường xuyên, kịp thời. Phương tiện, trang bị phục vụ cho công tác nhận dạng, kiểm định để xác định nguồn gốc các sản phẩm từ ĐVHD còn thiếu cũng ảnh hưởng đến quá trình xử lý các vụ việc vi phạm".

Bà Phạm Thị Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Việc xác định tại chỗ tang vật động vật rừng chỉ thực hiện được với một số loài dễ nhận biết, chưa qua xử lý còn nguyên các dấu hiệu cơ bản như lông, da. Đối với các tang vật đã cạo lông, xẻ thịt… lực lượng kiểm lâm không có cơ sở để xác định loài. Mặt khác, đơn vị cũng gặp một số bất cập như theo quy định, việc xử lý tang vật rừng chỉ được thực hiện sau khi có kết quả xử lý vi phạm. Quy định này đã ảnh hưởng đến xử lý tang vật là động vật rừng trong trường hợp khỏe mạnh, thả lại môi trường tự nhiên. Thực tế đã xảy ra việc một số tang vật chờ xử lý quá lâu trong môi trường không phù hợp đã bị ốm, chết, buộc phải tiêu hủy. Ngành kiểm lâm địa phương cũng không được bố trí kinh phí đầy đủ để xây dựng chuồng nuôi, trang thiết bị, dụng cụ, thức ăn để bảo quản tang vật. Từ những hạn chế, bất cập này, đơn vị đã đề nghị cơ quan chuyên môn Trung ương tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ xác định, giám định loài, bảo quản, quản lý tang vật là ĐVHD cho kiểm lâm cấp tỉnh.

Theo nhận định, vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, khi đối tượng vi phạm tạo vỏ bọc tinh vi, thường xuyên thay đổi quy luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin, đòi hỏi các cơ quan hữu quan phải có sự theo dõi, phát hiện, đấu tranh thật sự quyết liệt thì mới bảo vệ, bảo tồn được các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt hơn của lực lượng chức năng, tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, ngành đổi mới, đa dạng công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường ngăn ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD quý hiếm, nguy cấp ngay từ cộng đồng dân cư.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, kết quả còn hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO