Bịt "kẽ hở" trong quy định phòng, chống tác hại rượu, bia

Song Việt| 09/11/2021 08:47

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Luật điều chỉnh mức nồng độ cồn vi phạm của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, quá trình thực hiện Luật này còn một số vướng mắc.

ADQuảng cáo

Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, tỷ lệ người dân tự điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia chiếm 68%. Trong đó, 40% người say rượu bia vẫn tiếp tục lái xe.

Dịp cuối năm, lễ, tết..., tình trạng sử dụng rượu, bia rồi tham gia giao thông, gây tai nạn diễn ra nhiều. Do đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm những hành vi này để kiềm chế tai nạn giao thông. Trong đó, có việc áp dụng trách nhiệm hình sự để làm tốt công tác phòng ngừa chung là điều rất cần thiết.

Tại Điểm b, Khoản 2, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định vi phạm nồng độ cồn với khái niệm cụ thể: “Có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng”.

Còn tại Khoản 1, Điều 35, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định hành vi vi phạm: "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Như vậy, tất cả những người có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà gây tai nạn giao thông đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điểm b, Khoản 2, Điều 260, BLHS.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông ở Gia Nghĩa. (Ảnh minh họa)

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều vụ tai nạn, người tham gia giao thông ở cả hai bên đều bị thương và nhập viện cấp cứu. Do đó, lực lượng chức năng không thể thực hiện đo nồng độ cồn đối với các nạn nhân, nên phải yêu cầu cơ quan y tế xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của họ.

Thế nhưng, vấn đề này lại phát sinh những vướng mắc, gây khó khăn trong khâu điều tra, xử lý các vụ tai nạn. Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TT-BCA-BYT ngày 23/7/2014, kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu được xem là bình thường khi ở mức dao động từ 0-10.9 mmol/l. Trong khi như đã nói, người tham gia giao thông chỉ cần có nồng độ cồn là đã vi phạm.

Chính từ sự bất cập này, nhiều trường hợp người dân đã lợi dụng để khiếu nại, chống đối các quyết định xử lý vi phạm của cơ quan chức năng trong các vụ tai nạn giao thông.

Theo các cơ quan chức năng, nếu người gây tai nạn có kết quả nồng độ cồn trong máu, đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điểm b, Khoản 2, Điều 260 BLHS và áp dụng tình tiết tăng nặng.

Qua tìm hiểu, hiện nay, nhiều cơ quan chức năng đã có kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Công an có văn bản hướng dẫn cụ thể việc sử dụng kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TT-BCA-BYT ngày 23/7/2014.

Trong đó, cần giải thích cụ thể “Trị số bình thường” trong kết quả xét nghiệm nồng độ cồn chỉ áp dụng ở trường hợp cụ thể nào. Cơ quan chức năng cũng đề xuất, góp ý bỏ cụm từ “vượt quá mức quy định” tại Điểm b, Khoản 2, Điều 260 BLHS.

Cụ thể, điều luật này cần được sửa đổi thành “Có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng” để phù hợp hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bịt "kẽ hở" trong quy định phòng, chống tác hại rượu, bia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO