Cẩn thận với những chiêu lừa đặt tiền cọc

Hiền Ny| 18/09/2017 09:19

Vì mất cảnh giác, cả tin, nhiều người đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo với đủ chiêu lừa lấy tiền đặt cọc hết sức tinh vi.

ADQuảng cáo

Làm công bị lừa tiền đặt cọc

Có thời gian rảnh rỗi, muốn kiếm thêm thu nhập, chị Nguyễn Thị Nhớ, ở xã Nam Xuân (Krông Nô) nhận thêu tranh thuê sau khi thấy thông tin đăng tìm người làm trên mạng xã hội. Ngay lập tức, đối tượng tuyển dụng đã tìm đến gặp chị Nhớ, đưa tranh và làm hợp đồng thêu tranh hết sức bài bản.

Theo đó, chị Nhớ phải đặt cọc 500.000 đồng để nhận được tranh về thêu, khi hoàn thành công việc sẽ được trả công là 900.000 đồng cùng với tiền đặt cọc trước đó. Thấy thông tin, địa chỉ người đặt hàng đầy đủ, có hợp đồng rõ ràng, nên chị Nhớ không mảy may nghi ngờ mà ký hợp đồng và đưa tiền đặt cọc cho đối tượng.

Sau khi thêu xong tranh, chị Nhớ hẹn người thuê đến lấy tranh, nhưng người này cứ khất lần không chịu lấy, viện đủ lý do tranh thêu bị lỗi, không đạt yêu cầu, bắt sửa lại. Chị Nhớ sửa tranh nhiều lần, nhưng người thuê vẫn chê bai, hứa hẹn tới lấy rồi “lặn” mất tăm, không liên lạc được.

Chị Nhớ cho biết: “Giá trị bức tranh khi chưa thêu chỉ bằng 1/3 tiền đặt cọc trước đó. Mặc dù tranh tôi thêu rất đẹp, đúng yêu cầu rồi, nhưng người thuê vẫn chê nhằm không trả tiền công và tiền cọc. Không chỉ có tôi, mà còn khoảng 5 người nữa ở trong khu vực bị mất tiền cọc với chiêu lừa tương tự từ đối tượng này”.

ADQuảng cáo

Tương tự, nhiều đối tượng còn đăng tuyển dụng người nhồi thú bông nhỏ làm móc chìa khóa với giá khá cao từ 5.000-10.000 đồng/con. Lý do được đưa ra là do công ty cần làm gấp cho kịp đơn hàng nên tuyển dụng với số lượng lớn. Người làm chỉ cần chuyển 500.000 đồng tiền cọc thì sẽ nhận được hàng để đem về nhà làm, khi làm xong sẽ nhận lại được tiền công và tiền cọc.

Thế nhưng, thực tế khi chuyển tiền cọc, người làm thuê sẽ không còn liên lạc được với người đăng tuyển dụng nữa và mất luôn chỗ tiền này. Vì số tiền bị mất cũng không lớn và hầu như không có thông tin cụ thể của đối tượng lừa đảo, nên nhiều người đành chịu mất tiền oan.

Mua camera từ nhân viên “dỏm”

Gia đình bà Lê Thị L ở  phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) mở một cửa hàng tạp hóa buôn bán từ lâu nay. Tháng 8/2017, khi bà đang bán hàng như thường lệ thì có một thanh niên tới tự giới thiệu mình là nhân viên của một công ty máy tính trên địa bàn thị xã chào mời chị lắp camera an ninh cho cửa hàng. Sau khi được giới thiệu chiếc camera mẫu và tư vấn sản phẩm, bà L đã nhận lắp đặt 3 camera an ninh cho cửa hàng với giá gần 5.000.000 đồng.

Bà L ứng trước 2.000.000 đồng cho người thanh niên này và lấy giấy biên nhận cùng lời hẹn sau 3 ngày nữa sẽ có nhân viên của công ty tới cửa hàng để lắp máy. Thế nhưng, quá hẹn mà chưa thấy người tới lắp máy, bà L đã gọi điện thoại cho người thanh niên này để hỏi thì số điện thoại không liên lạc được. Sốt ruột, bà đến trụ sở công ty theo địa chỉ mà người thanh niên cung cấp thì mới vỡ lẽ mình đã bị lừa.

Để có tiền tiêu dùng, nhiều đối tượng sẵn sàng nghĩ ra những chiêu trò nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác qua việc mạo danh nhân viên công ty để lừa mua sản phẩm, thuê người làm công, bắt đặt tiền cọc. Để không bị lừa mất tiền oan, người dân nên đề cao cảnh giác, xác thực thông tin cụ thể, rõ ràng trước khi tiến hành giao dịch, chuyển tiền cho các đối tượng; đồng thời báo cho cơ quan chức năng biết khi gặp phải những đối tượng lừa đảo nói trên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn thận với những chiêu lừa đặt tiền cọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO