Cảnh báo tình trạng luật sư "trôi nổi"

Phạm Khánh| 21/11/2017 09:08

Trung tuần tháng 11/2017, chúng tôi có dịp đi với một số thành viên thuộc Đoàn Luật sư Đắk Nông xuống cơ sở để trợ giúp pháp lý cho người dân. Trong đoàn có các luật sư Lương Minh Khang, Nguyễn Thanh Huy (đều là lãnh đạo của Đoàn Luật sư Đắk Nông) cùng một số người liên quan về ngành luật. Trên xe, mọi người kể cho nhau nghe những chuyện vui, chuyện buồn về nghề luật sư.

ADQuảng cáo

Luật sư Lương Minh Khang, giọng trầm trầm tâm sự: Nghề luật sư vinh dự thật, nhưng cũng lắm chuyện "đau đầu". Nghề này có vinh dự là được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, cho các bị cáo tại phiên tòa tránh khỏi oan sai. Luật sư cũng góp phần giúp người dân hiểu biết pháp luật, nắm vững các thủ tục khiếu nại, khiếu kiện, tránh khiếu kiện vượt cấp, sai quy định. Thế nhưng, thời gian gần đây, những người hành nghề luật sư cũng cảm thấy rất băn khoăn vì sự xuất hiện của một số luật sư thuộc dạng “trôi nổi”, lợi dụng nghề nghiệp để lừa đảo người dân nhằm lấy tiền bất chính.

Theo luật sư Khang, các đối tượng "trôi nổi" thường là những người đang theo học ngành luật, đang trong thời gian tập sự hành nghề luật sư, thậm chí tự xưng là luật sư chứ không có thẻ hành nghề. Những trường hợp này không nằm trong các tổ chức hành nghề luật sư mà chỉ đơn lẻ hoạt động tư vấn, thực hiện các dịch vụ pháp lý để lấy tiền của khách hàng. Ngoài ra, cũng có những luật sư chính hiệu, năng lực yếu kém nhưng vẫn bày đủ chiêu trò để lấy thù lao rất cao của dân. "Hầu hết, những "luật sư" kiểu này hoạt động vì lợi ích cá nhân, đạo đức, nghiệp vụ kém, không tâm huyết với nghề", luật sự Khang đánh giá.

Còn theo luật sư Nguyễn Thanh Huy, các luật sư thuộc diện "trôi nổi" không chỉ làm xấu hình ảnh nghề luật sư. Bộ phận này còn gây nên nhiều vấn đề phức tạp khác cho xã hội. Chẳng hạn, khi họ tham gia các vụ việc, do không đủ năng lực, nên không giúp người dân giải quyết triệt để vấn đề và nâng cao nhận thức pháp luật, dẫn đến phát sinh thêm mâu thuẫn, phức tạp hóa vấn đề, thậm chí gây mất an ninh trật tự.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Huy, từ đầu năm đến nay, cá nhân ông đã tiếp nhận được 4 đơn thư của người dân phản ánh về tình trạng giả danh luật sư. Ngoài ra, Đoàn Luật sư Đắk Nông cũng nhận được 5 đơn thư tố giác có nội dung tương tự. Những trường hợp mà người dân tố giác thường có các hành vi như không giải quyết được công việc cho người dân nhưng vẫn lấy tiền thù lao rất cao. Cũng có trường hợp sau khi đã lấy tiền thù lao thì trốn tránh, không thực hiện những cam kết trợ giúp pháp lý.

ADQuảng cáo

Trong quá trình xác minh đơn tố cáo của người dân, Đoàn Luật sư Đắk Nông cũng đã thu nhận được nhiều thông tin tiêu cực về luật sư "trôi nổi". Đó là việc một số người hành nghề kiểu luật sư đã lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi, như nhận tiền rồi bỏ bê công việc, bày vẽ đủ thứ chuyện để lấy tiền thù lao, viết đơn khiếu nại sai sự thật để lấy tiền công, xúi giục người dân khiếu kiện trái luật, nhận tiền để "chạy án"... Đặc biệt, có những trường hợp không phải là luật sư, nhưng vẫn đứng ra nhận trợ giúp pháp lý các vụ việc, vụ án để lấy tiền của dân.

Phần lớn những trường hợp mắc bẫy luật sư dỏm đều là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người già cả, hạn chế hiểu biết pháp luật. Theo luật sư Huy, hành nghề luật sư kiểu như vậy là vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng. Bởi vì, đối với giới luật sư, những trường hợp khó khăn, thuộc diện nghèo, chính sách, khi đến tư vấn tại các văn phòng luật sư thuộc Đoàn Luật sư Đắk Nông đều được trợ giúp pháp lý miễn phí. Họ cũng được hướng dẫn làm các thủ tục bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.

Để giúp người dân không rơi vào tình trạng bị luật sư dỏm lừa đảo, luật sư Lương Minh Khang, khuyến cáo. "Những đối tượng lừa đảo thường xác lập các văn bản thỏa thuận mang tính cá nhân để nhận giải quyết công việc cho người dân. Do vậy, khi ký kết dịch vụ pháp lý trên 200 nghìn đồng, người dân phải yêu cầu xác lập bằng hợp đồng, có con dấu của văn phòng luật sư.

Ngoài ra, người dân cũng phải yêu cầu luật sư chứng minh nhân thân bằng các giấy hành nghề, thẻ luật sư. Khi phát hiện người nhận trợ giúp pháp lý có các biểu hiện như né tránh nghĩa vụ, gạ gẫm để lấy tiền, xúi giục khiếu kiện... thì người dân cần kịp thời phản ánh với Đoàn Luật sư Đắk Nông hoặc các cơ quan chức năng khác để kịp thời xử lý...”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tình trạng luật sư "trôi nổi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO