Cấp bách khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô

Văn Tâm| 29/09/2017 09:09

Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở trên dòng sông Krông Nô, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đang trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến tài sản, hoa màu, vật kiến trúc khu vực ven sông. Điều đáng nói, đây không phải là vấn đề mới phát sinh mà đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp quản lý, khắc phục hiệu quả.

ADQuảng cáo

Hiện nay tỉnh Đắk Nông đã cấp 9 giấy phép thăm dò cát, sỏi trên lòng sông Krông Nô không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, tổng phê duyệt trữ lượng khoáng sản cấp 122 (cấp trữ lượng khoáng sản rắn) là 5.167060m². Bên cạnh đó, trên địa bàn hiện có 7 giấy phép khai thác cát được UBND tỉnh cấp cho 6 đơn vị, với tổng công suất khai thác là 190.000 m³/năm. Các điểm được cấp phép cho các đơn vị chủ yếu tập trung dọc theo dòng sông Krông Nô.

Bờ sông bị sói lở từng mảng lớn đổ xuống sông. Ảnh K'Rắk

Hút cát... phá nát bờ sông

Không kể ngày hay đêm, trên lòng sông Krông Nô, hàng chục xà lan thả vòi xuống lòng sông để hút cát. Những cái "vòi bạch tuộc" này cứ vậy mặc sức "rút ruột lòng sông", làm thay đổi dòng chảy gây tình trạng sạt lở bờ sông.

Theo ông Huỳnh Long Quốc - Trưởng Phòng Tài nguyên - MT huyện Krông Nô thì qua kiểm tra thực tế, trên đoạn sông chảy qua địa bàn xã Nâm N’đir hiện có 5 khu vực bị sạt lở, với tổng chiều dài gần 4km.

Toàn bộ những khu vực bị sạt lở trên là đất sản xuất nông nghiệp của người dân sống ven sông Krông Nô. Đồng thời, khu vực sạt lở đều nằm trong đoạn sông được cấp phép khai thác cát cho Công TNHH Phú Bình. Với đặc thù trữ lượng cát tập trung chủ yếu dưới lòng sông nên Công ty này bất chấp hậu quả, dùng xà lan chĩa vòi vào đáy sông, bờ sông để hút cát. Chính vì kiểu khai thác “rút ruột dòng sông” như thế đã gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất của hàng trăm hộ dân trên bờ. Trong khi đó, Công ty TNHH Phú Bình được tỉnh cấp phép khai thác với chiều dài lòng sông lên đến 12,5km và diện tích khai thác lên đến 45km².

Đất sản xuất hoa màu của người dân xã Nâm N’đ r bị dòng sông “nuốt chửng”

ADQuảng cáo

Bám dọc theo dãy đất sản xuất lớn của xã Nâm N’đir. Tại thời điểm này, tình trạng sạt lở đất vẫn đang diễn ra rất mạnh, đặc biệt là khu vực cách đồng thôn Nam Thanh, xã Nâm N’đir, chiều dài sạt lở khoảng 3,3km (khu vưc 4 có tọa độ từ điềm X: 1.373.487; Y: 436.486 đến điểm có tọa độ X: 1.373.953; Y: 437.813, theo Công văn 4187/UBND-NN, ngày 4/8/2017 của UBND tỉnh Đắk Nông) và có nguy cơ kéo sụp đường giao thông nội đồng lẫn các công trình thủy lợi xuống sông. Còn tại các khu vực khác, mức độ sạt lở từ 3 - 5m và vẫn đang tiếp diễn.

Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, hiện nay, Công ty TNHH Phú Bình đã tạm dừng hoạt động, nhưng các đơn vị được tỉnh Đắk Lắk cấp phép vẫn khai thác bên kia dòng sông thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Do vậy, việc cảnh giới, ngăn chặn một số xà lan hướng vòi sang bờ bên này để “trộm cát” vào lúc vắng người hoặc ban đêm đang gây nhiều khó khăn cho huyện trong công tác quản lý.

Mặt khác, nếu tính trên toàn bộ dòng sông từ xã Quảng Phú đến xã Buôn Choáh thì có đến 18 điểm sạt lở. Theo kết quả kiểm tra của UBND huyện Krông Nô, tốc độ sạt lở vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là ở khu vực xã Nâm N’đir, Đức Xuyên, Đắk Nang… Cũng tương tự, tất cả các khu vực trên đều nằm trên những đoạn sông được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

Hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông.

Thu hồi giấy phép khai thác tại những "điểm nóng"

Để khắc phục tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông, kết luận tại buổi mà việc với UBND huyện Krông Nô mới đây, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên – Môi trường, các đơn vị liên quan của huyện Krông Nô kiểm tra thực địa, đề xuất cụ thể các khu vực "nóng" để yêu cầu dừng các hoạt động khai thác cát. Cùng với đó, đối với các khu vực đã bị sạt lở, các cơ quan chuyên môn khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân sạt lở và truy cứu trách nhiệm trong việc khắc phục sạt lở, giải quyết hỗ trợ, bồi thường cho người dân. Đối với khu vực sạt lở mạnh, có nguy cơ ảnh hưởng đến công trình, có giải pháp đề xuất thu hồi giấy phép hoạt động khai thác cát. Về phương án lâu dài, các ngành chức năng phải khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức làm việc với tỉnh Đắk Lắk để kịp thời giải quyết những vướng mắc về khai thác cát giữa hai địa phương.

Tại buổi làm việc, UBND huyện Krông Nô cũng đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì phối hợp với huyện rà soát, rút lại giấy phép hoạt động của Công ty TNHH Phú Bình và Công ty TNHH Xuân Bình tại một số đoạn sông từ xã Đức Xuyên đến xã Buôn Choáh để chấm dứt tình trạng khai thác cát quá mức dẫn đến sạt lở nghiêm trọng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp bách khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO