Chú trọng tuyên truyền pháp luật cho vùng dân tộc thiểu số

Song Việt| 08/12/2021 08:22

Với nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, huyện Tuy Đức đã ngày càng nâng cao ý thức pháp luật cho người dân. Tình trạng vi phạm pháp luật cũng vì thế đã giảm đáng kể.

ADQuảng cáo

Xã Quảng Trực (Tuy Đức) có phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và di cư từ các tỉnh phía Bắc. Là xã vùng biên giới, điều kiện ở các thôn, bon của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn rất khó khăn. Trình độ, nhận thức của bà con chưa cao, nhất là nhận thức về pháp luật.

Lấy ví dụ điển hình về Luật Đất đai, theo Chủ tịch UBND xã Quảng Trực Nguyễn Hải Lý, bà con dân tộc thiểu số, nhất là thiểu số tại chỗ thường cho rằng, đất đai đều do ông cha để lại, cứ thế mà sử dụng.

Họ chưa am hiểu, chưa quan tâm nhiều đến các thủ tục pháp lý có liên quan tới đất. Điều này dẫn đến nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện về ranh giới, khó khăn cho bà con khi cần sang nhượng, tặng, thừa kế, vay vốn làm ăn…

Còn xã Đắk Ngo (Tuy Đức) có khoảng 67% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, Nùng di cư từ các tỉnh phía Bắc. Theo lãnh đạo UBND xã Đắk Ngo, tình trạng hiểu biết về pháp luật của người dân ở đây còn hạn chế.

Một số quy định dù "va chạm" thường ngày như giao thông đường bộ, bảo vệ rừng, trật tự xã hội..., nhưng hầu như người dân không nắm được. Do đó, tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra khá nhiều.

Nhờ làm tốt công tác phổ biến tuyên truyền, vận động nên tỷ lệ cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số xã Quảng Trực đi bỏ phiếu bầu ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 rất cao

Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức, không chỉ ở Quảng Trực, Đắk Ngo mà nhiều vùng khác trên địa bàn cũng tồn tại vấn đề này. Thời gian qua, huyện đã ưu tiên tuyên truyền pháp luật cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo

Việc tuyên truyền được thông qua các buổi phát động quần chúng, lồng ghép vào các hội nghị, cuộc họp tại khu dân cư. Điều này đã giúp người dân dễ dàng nắm bắt các chính sách, quy định pháp luật.

Ngoài ra, các hình thức tuyên truyền cũng ngày càng được đa dạng hơn qua hình thức tờ gấp, bản tin trên loa truyền thanh, niêm yết văn bản tại nhà cộng đồng hoặc ở thôn, buôn…

Những hoạt động như giải phóng mặt bằng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xét xử các vụ án; quản lý bảo vệ rừng... đều được huyện chú trọng lồng ghép, thông tin rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức cho người dân từ đó thực hiện đúng quy định.

Chính quyền địa phương cùng các đoàn thể luôn ưu tiên thực hiện tuyên truyền, vận động bà con tìm hiểu, nâng cao nhận thức về pháp luật. Huyện phát huy vai trò của cấp ủy, ban tự quản và người có uy tín ở các thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số để chuyển tải các kiến thức pháp luật cho người dân.

Theo bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, nhờ nỗ lực tuyên truyền, vài năm trở lại đây, sự am hiểu, ý thức chấp hành pháp luật của bà con khu vực nông thôn đã có những chuyển biến rõ rệt.

Số người dân vi phạm pháp luật tại một số địa bàn đã giảm rõ rệt so với trước. Tại một số xã như Quảng Trực, Quảng Tâm, Đắk Ngo, tình trạng vi phạm phổ biến trước đây như phá rừng, lấn chiếm đất đai, gây rối trật tự, buôn bán ma túy... đều giảm rất mạnh.

Đối với các quy định về đất đai, người dân ngày càng am hiểu hơn. Minh chứng là người dân một số xã đã chủ động tìm hiểu quy định để tự đăng ký quyền sử dụng đất. Đến nay, có những xã đạt tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên 90% và rất ít xảy ra tranh chấp, khiếu kiện do liên quan đến đất đai.

"Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, huyện chú trọng tuyên truyền những quy định phổ biến, dễ va chạm để người dân hiểu biết, hạn chế vi phạm", bà Phượng cho biết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng tuyên truyền pháp luật cho vùng dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO