Có uẩn khúc trong vụ "21 năm mang danh em họ"

Ngàn Sâu| 11/10/2018 15:02

Vụ việc một giáo viên tiểu học mượn bằng THPT của người khác để làm hồ sơ đi học đã được chính quyền huyện Tuy Đức phát hiện cách đây 6 năm. Thế nhưng, việc xử lý khi đó không rõ ràng, khiến cho vụ việc chìm vào quên lãng cho đến nay...

ADQuảng cáo

NHỮNG CHI TIẾT CHÊNH NHAU TRONG HAI BẢN SAO

Như Báo Đắk Nông đã phản ánh, năm 1997, ông Đồng Hữu Giảng mượn bằng THPT của em họ là Phùng Văn Quyền (hiện là chuyên viên Văn phòng UBDN huyện Tuy Đức) để làm hồ sơ dự thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Sau khi trúng tuyển, ông Giảng đã khai trong hồ sơ của mình theo thông tin từ bằng THPT và lý lịch như của ông Quyền. Kể từ đó đến nay, ông Giảng có hồ sơ mang tên  Phùng Văn Quyền.

Về phần ông Phùng Văn Quyền, trong hồ sơ công chức có bản sao công chứng bằng THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Hưng (nay là Hải Dương) cấp cho ông vào ngày 15/9/1990. Bằng THPT này có các thông tin: "cấp cho Phùng Văn Quyền, ngày sinh 08.02.1973; nơi sinh Nguyên Giáp, Tứ Lộc, Hải Hưng; đã trúng tuyển kỳ tốt nghiệp Phổ thông Trung học, khóa thi ngày 6 tháng 6 năm 1990, tại Hội đồng thi Cầu Xe; xếp loại Trung bình; số ANo 937678/PT90; vào sổ cấp bằng số 82/TNPTTH".  Phần thông tin cá nhân và kỳ thi trên bằng được viết tay.

Hai bản sao bằng THPT cấp cho Phùng Văn Quyền có những chi tiết khác nhau

Trong hồ sơ viên chức của ông Đồng Hữu Giảng cũng có bản sao bằng THPT mang tên Phùng Văn Quyền. Phần lớn các thông tin trong bản sao này trùng khớp với bản sao có trong hồ sơ của ông Phùng Văn Quyền. Tuy nhiên, qua đối chiếu thì có nhiều chi tiết khác nhau. Cụ thể, bản sao trong hồ sơ của ông Quyền có số ANo 937678/PT90. Còn bản sao trong hồ sơ của ông Giảng có số CNo 001613. Phần thông tin về ngày sinh là giống nhau, nhưng bản sao trong hồ sơ của ông Quyền có các dấu chấm giữa ngày, tháng và năm (08.2.1973). Còn bản sao trong hồ sơ của ông Giảng thì đó là các dấu gạch ngang (08-2-1973). Đặc biệt, nét chữ viết tay về thông tin cá nhân và kỳ thi trên 2 bản sao văn bằng hoàn toàn khác nhau.

ADQuảng cáo

VỤ VIỆC TỪNG ĐƯỢC PHÁT HIỆN NHƯNG "CHÌM XUỒNG"

Năm 2012, cơ quan chức năng ở huyện Tuy Đức đã phát hiện ông Đồng Hữu Giảng mang danh Phùng Văn Quyền. Theo ông Nguyễn Xuân Đan, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Tuy Đức, năm 2012, UBND huyện Tuy Đức đã giao cho Công an huyện Tuy Đức điều tra, xử lý vụ việc. Công an huyện Tuy Đức đã trực tiếp làm việc với Phòng GD và ĐT để xác minh thông tin về bằng THPT của ông Đồng Hữu Giảng. "Tuy nhiên sau đó họ (Công an huyện Tuy Đức - P.V) lại có một buổi làm việc khác và thông báo là hồ sơ của Đồng Hữu Giảng là không thụ lý, giải quyết nữa", ông Đan cho biết.

Ông Đan giải thích thêm, Phòng GD và ĐT chỉ quản lý về các mặt chuyên môn giáo dục. Còn công tác tổ chức thuộc thẩm quyền của UBND huyện Tuy Đức. Do đó, Phòng GD và ĐT không đủ thẩm quyền để xem xét, xử lý vụ việc.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng giai đoạn 2012, cho biết, khi phát hiện sự việc, nhà trường đã đề nghị cấp trên xử lý, buộc thôi việc đối với ông Đồng Hữu Giảng. Sau đó, UBND huyện Tuy Đức đã chỉ đạo nhà trường phải ra quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Giảng và tiếp tục để cho ông Giảng dạy học ở đó.

Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với ông Giảng thuộc về UBND huyện Tuy Đức. Do đó, việc Trường Tiểu học Lý Tự Trọng ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Giảng là vượt thẩm quyền.  Bà Nguyễn Thị Phượng thừa nhận: "Đúng là tôi không đủ thẩm quyền để ký quyết định kỷ luật ông Giảng, nhưng huyện chỉ đạo thế thì tôi phải làm thế".

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy Đức cho biết, sau khi nhận được phản ánh của Báo Đắk Nông, UBND huyện Tuy Đức đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý vụ việc. Kết quả kiểm tra, xử lý sẽ được UBND huyện chuyển tới Báo Đắk Nông trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có uẩn khúc trong vụ "21 năm mang danh em họ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO