Đắk Glong: Cần chú trọng giải quyết dứt điểm đơn thư tồn đọng, kéo dài

Ngọc Dũng| 14/11/2016 10:33

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, những năm gần đây, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) luôn có tình trạng đơn thư tồn đọng kéo dài. Việc chưa giải quyết dứt điểm các đơn thư đã gây không ít khó khăn cho cả cơ quan chức năng lẫn người dân đi khiếu kiện.

ADQuảng cáo

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, 80% các vụ đơn thư tồn đọng kéo dài trên địa bàn chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai; nhiều vụ đã có manh nha khiếu kiện đông người. Mặc dù đơn thư kéo dài nhiều năm, nhưng vì gặp nhiều khó khăn, bất cập nên đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện đơn thư tồn đọng kéo dài ở Đắk Glong

Điển hình như trường hợp đơn thư khiếu nại của bà Huỳnh Thị Thu ở thôn 4, xã Quảng Khê khiếu nại về việc Đoàn thực hiện Chỉ thị 12 huyện tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ nhà và phá bỏ cây trồng trên đất của gia đình bà.

Ông Dần cho rằng: “Về mặt chủ trương, chính sách, định hướng, huyện làm đúng, vì đó là những diện tích đất trái phép, do phá rừng lấn chiếm, nên phải cưỡng chế, thu hồi. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cưỡng chế lại có những thiếu sót nhất định, nhất là không bảo đảm được công bằng giữa các khu vực khác nhau. Cùng một thời điểm, cùng những diện tích đất rừng bị phá và sử dụng canh tác, nhưng chỗ bị cưỡng chế, chỗ thì không, nên những người dân bị cưỡng chế thường đi khiếu nại”.

Theo quy định, khi công dân có đơn thư lần đầu, cơ quan thẩm quyền thụ lý giải quyết trong khoảng từ 30- 45 ngày kể từ ngày thụ lý. Thế nhưng, khâu xử lý bị chậm trễ, dẫn đến tình trạng tồn đọng đơn thư.

ADQuảng cáo

Điển hình như trường hợp ông Lê Văn Công ở thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn khiếu nại UBND huyện ban hành cấp “sổ đỏ” cho ông Trần Hoài Ân trên diện tích đất ông Công đang canh tác ổn định. Qua kiểm tra hồ sơ, ông Công đã khởi kiện từ năm 2013, nhưng xã Quảng Sơn lại chậm trễ trong việc thụ lý giải quyết, không phân định rõ nguồn gốc đất, không xem xét giải quyết mà vẫn cấp “sổ đỏ” cho ông Ân. Vì vậy, đến tháng 10/2016, UBND huyện mới có quyết định thụ lý giao các ngành chức năng giải quyết.

Tương tự, hầu hết các trường hợp khiếu nại khác cũng đều quá thời hạn giải quyết từ 3 năm trở lên như các trường hợp đơn thư kéo dài nhiều năm của bà Nguyễn Thị Mai ở thôn 1, xã Đắk Ha; ông Phạm Đình Huyền ở thôn 4, xã Quảng Khê; bà H’Ông ở xã Đắk P’lao; ông Lê Tấn Linh ở thôn 2, xã Quảng Khê…

Sở dĩ có tình trạng đơn thư tồn đọng kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm là do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử đất đai, nguồn gốc không rõ ràng, chủ yếu do phá rừng trái phép, nhưng lại không có sự quản lý đầy đủ, đúng quy định. Pháp luật đất đai có nhiều thay đổi, chồng chéo, không chỉ về quản lý mà cả về bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã yêu cầu huyện cần thực hiện tốt công tác phân loại đơn thư để thụ lý giải quyết đúng trọng tâm những vấn đề người dân đề cập, hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Các đơn vị liên quan cần nâng cao trách nhiệm trong việc thụ lý giải quyết các vấn đề người dân phản ánh, không để họ phải vất vả, chạy ngược xuôi, tìm nơi giải quyết đơn thư. Huyện cần vào cuộc mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các đơn thư tồn đọng kéo dài lâu nay, góp phần yên dân.

Qua cuộc giám sát về tình trạng đơn thư tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết mới đây của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy, cơ quan chức năng địa phương chưa phân loại chính xác được các loại đơn thư để tư vấn, hướng dẫn cho người dân cũng như có hướng thụ lý giải quyết phù hợp. Hầu hết các đơn thư tồn đọng kéo dài chủ yếu là khiếu nại hoặc có cả nội dung khiếu nại và kiến nghị. Tuy nhiên, hầu hết đơn thư được địa phương đưa vào danh sách kiến nghị nên khi thụ lý chủ yếu là ban hành các văn bản, làm kéo dài thời gian, nhưng không giải quyết dứt điểm được các nội dung.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong: Cần chú trọng giải quyết dứt điểm đơn thư tồn đọng, kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO