Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tra tấn

Tường Mạnh| 05/03/2018 10:15

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 65 về triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn theo Quyết định số 65 ngày 12/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

ADQuảng cáo

Theo đó, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, báo chí cần lựa chọn các nội dung để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân về Công ước chống tra tấn và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.

Tham khảo tài liệu cho thấy, Công ước có tên đầy đủ là Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. Công ước được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1984 theo Nghị quyết 39/46 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Công ước có 3 phần, 33 điều, với mong muốn cuộc đấu tranh chống tra tấn và đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm được hiệu quả hơn.

Công ước được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhất hiện nay về chống tra tấn, được sử dụng như một quy định tham chiếu chung trong luật nhân quyền quốc tế và luật hình sự quốc tế khi đề cập đến vấn đề tra tấn. Ngoài thực hiện nghĩa vụ quốc tế, mỗi quốc gia dựa trên tinh thần nhân đạo và bằng biện pháp riêng biệt, cụ thể áp dụng tại quốc gia mình nhằm nỗ lực hơn nữa hoàn thiện pháp luật về quyền con người, loại trừ mọi hình thức tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.

Điển hình, tại Điều 2 có nêu: Mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp, hoặc các biện pháp hiệu quả khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên bất cứ khu vực lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình. Không có bất kỳ hoàn cảnh ngoại lệ nào, cho dù là trong tình trạng chiến tranh, hoặc đang bị đe dọa bởi chiến tranh, mất ổn định chính trị trong nước hoặc bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào có thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn. Mệnh lệnh của quan chức hay của cơ quan có thẩm quyền cấp trên không thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn.

ADQuảng cáo

Tại Điều 4 nêu: Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều cấu thành tội phạm theo luật hình sự của nước mình. Điều này cũng áp dụng với những hành vi cố gắng thực hiện việc tra tấn hoặc hành vi của bất kỳ người nào đồng lõa hoặc tham gia việc tra tấn. Mỗi quốc gia thành viên phải trừng trị những tội phạm này bằng những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất nghiêm trọng của chúng.

Đối với Việt Nam, đến ngày 28/11/2014, Quốc hội khóa XIII mới biểu quyết thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13, phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (trước đó, Việt Nam đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước). Theo nghị quyết, Việt Nam xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định của Công ước, nhưng sẽ không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh yêu cầu, việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật phòng, chống tra tấn và Công ước chống tra tấn phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gắn với việc triển khai có hiệu quả pháp luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong đó, nội dung tuyên truyền, phổ biến cần tập trung vào các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn bao gồm: Các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp, nhất là các quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến phòng, chống tra tấn; các quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của các bộ luật hiện hành; các quy định pháp luật về bạo lực nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em và các đối tượng yếu thế; các hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tra tấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO