Đừng để phải nói hai từ “giá như”…

Phan Tuấn| 14/11/2016 10:28

Giá như thời gian quay trở lại thì mình sẽ không vướng phải vòng lao lý để rồi phải đánh mất tuổi xuân trong ngục tù như ngày hôm nay”, đó là tâm sự đầy tiếc nuối của phạm nhân Phạm Công Danh (SN 1992) trú tại TP.Hồ Chí Minh khi nói chuyện với chúng tôi ở Trại giam Đắk P’lao thuộc Tổng cục VIII (Bộ Công an) về những lỗi lầm đã qua.

ADQuảng cáo

Phạm nhân Phạm Công Danh đang học nghề làm ghế tại Trại giam Đắk P’lao

Theo lời Danh kể, một ngày cuối năm 2012, trong buổi tối đi chơi cùng bạn bè trên đường từ quận 9 về quận 2 (TP. Hồ Chí Minh), Danh gặp một thanh niên chạy xe gắn máy vượt mặt, lại nẹt bô, đánh võng... Bị gây ức chế, Danh cùng 2 người bạn nữa là Tâm và Đạt không kiềm chế được bản thân đuổi theo khoảng 200m thì thanh niên kia dừng xe lại. Khi đó, Tâm chạy xe một mình nên đã tiếp cận trước và dùng tuốc nơ vít đâm vào phổi thanh niên đó. Khi Danh cùng Đạt chạy đuổi lên kịp, Danh tiếp tục tát vào mặt người thanh niên nọ một cái vào mặt, sau đó kéo Tâm đi về.

Ngày hôm sau, Danh bị cơ quan chức năng bắt khẩn cấp để điều tra về vụ giết người. Khi bị bắt, Danh được thông báo về cái chết của thanh niên vào tối qua mà mình lỡ tát vào mặt. Khi đó, Danh hết sức ngỡ ngàng và cứ nghĩ hành động nhỏ ấy của mình thì mức hình phạt cũng nhẹ nhàng thôi. Tuy nhiên, với hành động đó, Danh bị kết án tội danh giết người với vai trò giúp sức và bị tòa tuyên phạt mức án 9 năm tù giam.

ADQuảng cáo

Danh bộc bạch: “Do hoàn cảnh của gia đình khó khăn, khi lên lớp 5, tôi đã phải nghỉ học để đi kiếm việc làm thêm. Vì vậy, khi phạm tội, tôi chưa từng được trang bị những kiến thức về pháp luật. Ngờ đâu, chỉ với hành động là một cái tát, nhưng cái giá mình phải trả quá đắt đó là 9 năm tù giam”.

Theo Danh, những ngày đầu khi chấp hành án phạt tù, Danh cảm thấy rất bế tắc, đầy tự ti, mặc cảm. Trong đầu Danh khi đó cứ dấy lên suy nghĩ coi như đã chôn vùi cuộc đời ở trong 4 bức tường trại giam. Những tưởng sẽ không vượt qua nổi sự mặc cảm ấy, nhưng chính sự giáo dưỡng chân thành, tình nghĩa của các cán bộ giám thị Trại giam Đắk P’lao đã dần giúp Danh lấy lại niềm tin, quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, làm lại cuộc đời, hiểu được những giá trị của cuộc sống.

Theo Danh tâm sự, cuộc đời này ngắn lắm, nên mọi người hãy sống thượng tôn pháp luật và làm những việc có ý nghĩa. Là lao động chính trong gia đình toàn người già cả, yếu đuối, nhưng Danh chưa một ngày đền đáp được ơn sinh thành dưỡng dục của bố mẹ.

Những ngày tháng ở trại giam, Danh luôn day dứt, ân hận về lỗi lầm mình đã gây ra, nhất là gây tổn thương, mất mát rất lớn về mặt tinh thần cho gia đình nạn nhân. Biết đâu, gia đình nạn nhân cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn như gia đình Danh khi mất đi người trụ cột, lo toan cuộc sống. Với những điều trăn trở đó, bây giờ bản thân có nói ra hàng vạn từ “giá như” thì cũng không thể cứu vãn được những gì đã qua. Nhưng Danh tin rằng, xã hội, gia đình luôn rộng mở vòng tay đón nhận những người như Danh trở về, nếu bản thân biết hướng thiện, cải ạo thật tốt để trở thành người có ích.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để phải nói hai từ “giá như”…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO