“Gieo chữ” hướng thiện

Phan Tuấn| 20/11/2016 07:03

Vào những ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, phía sau cánh cổng Trại giam Đắk P’lao ở xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) có những “học sinh” mang đồng phục phạm nhân. Đó là những lớp học nhằm giúp phạm nhân xóa mù chữ, có thêm ít nhiều kiến thức, nhận thức trên hành trình hướng thiện.

ADQuảng cáo

Tập đánh vần, tập viết từng con chữ

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi có dịp đến Trại giam Đắk P’lao và ngay từ cổng đã nghe ê a tiếng đánh vần những con chữ.

Nhận thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi, Trung tá Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám thị Trại giam Đắk P’lao liền cho biết: “Đó là lớp học xóa mù chữ mà đơn vị đang tổ chức dạy cho các phạm nhân. Mỗi lớp xóa mù chữ kéo dài 3 tháng, các phạm nhân  được học chữ, những kiến thức cơ bản về toán, tiếng Việt”.

Cô giáo hướng dẫn phạm nhân viết từng chữ

Tại lớp học, chúng tôi chứng kiến rất nhiều phạm nhân một thời “ngang dọc” ngoài xã hội nay tập đánh vần từng chữ. Có những phạm nhân đầu đã bạc cũng đến học. Cho dù có người từng là những đối tượng “cộm cán”, nhưng nay tay chân bỗng trở nên lóng ngóng khi cầm trên tay cây bút, tập viết từng con chữ. Trong giờ giải lao, chúng tôi có dịp tiếp xúc với phạm nhân Lê Văn Huấn (SN 1990) ở huyện Đắk Mil đang chấp hành án phạt về tội “cướp giật tài sản”.

Huấn cho biết: “Do bố mẹ mất sớm, nên từ nhỏ bản thân đã rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Khi bạn bè cắp sách tới trường thì tôi phải làm thuê, cuốc mướn, nên hầu như chưa biết chữ và sóng gió cuộc đời đã đưa đẩy bản thân vào chốn này”.

Theo Huấn, lúc đầu cứ nghĩ ở ngoài đời lắm gian nan thì ở trong trại tù, tương lai sẽ còn tăm tối hơn. Thế nhưng, giờ đây Huấn đã thay đổi suy nghĩ, khi nhận thấy nơi đây thực chất như là một “bệnh viện” để chữa trị những khiếm khuyết của cuộc đời Huấn. Con đường phục thiện của Huấn bắt đầu bằng việc được học chữ xóa mù. Với sự tận tình giáo dưỡng của cán bộ trại giam, các giáo viên đứng lớp, giờ đây Huấn đã bước đầu biết đánh vần và viết chữ, dù đó chỉ là những nét chữ còn nguệch ngoạc.

Tương tự, thời gian qua, phạm nhân Văn Đình Lợi (SN 1993) ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước) cũng đang theo học lớp xóa mù chữ do trại giam tổ chức.

ADQuảng cáo

Lợi khoe: “Trước đây, ngay cả việc viết tên của bản thân, tôi cũng đã phải nhờ cậy người khác. Thông qua lớp học xóa mù chữ, giờ đây tôi đã biết cách sắp xếp từng chữ cái lại với nhau cho thành những câu từ có ý nghĩa. Khi đã hết mù chữ, sau những giờ lao động, tôi lại cùng bạn bè lên thư viện của trại giam để đọc sách báo. Mặc dù có khi phải mất cả nửa tiếng đồng hồ mới đánh vần xong một trang sách, nhưng tôi không hề nản chí mà vẫn ham đọc, ham học. Trong sách báo luôn có những điều hay, lẽ phải, giúp con người ta thay đổi nhận thức theo chiều hướng tốt đẹp”.

Theo Trung tá Thanh, để những lớp xóa mù chữ hoạt động hiệu quả, ngoài việc bố trí cán bộ, giám thị đứng lớp, đơn vị còn phối hợp với Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk Glong phân công giáo viên bên ngoài vào dạy chữ cho các phạm nhân. Những phạm nhân từng làm giáo viên cũng được huy động làm trợ giảng nhằm nắm bắt tâm lý, giúp các phạm nhân đồng cảnh ngộ cải tạo tốt hơn. Thông qua những lớp học xóa mù chữ, thư viện của trại giam có nhiều bạn đọc là phạm nhân đến tìm hiểu, sưu tầm những điều hay lẽ phải ở trong đó.

Những phạm nhân một thời "ngang dọc" nay ngồi ngay ngắn, chăm chú học chữ

Hướng tới những điều tốt đẹp

Với nhiều phạm nhân đang học chữ ở Trại giam Đắk P’lao, ai nấy cũng đều chăm chỉ học tập, với mong muốn nhanh biết đọc, biết viết một cách thành thạo để hướng tới những việc làm tốt đẹp.  

Phạm nhân Lưu Đặng Thanh (SN 1979), ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) vào trại đầu năm vừa rồi nói: “Do không biết chữ nên cho đến trước khi vào trại, tôi vẫn chưa có nổi tấm bằng lái xe gắn máy. Khó khăn nhất phải kể đến công việc làm ăn, mỗi khi nhận được công trình sơn nhà, bắt buộc phải làm hợp đồng công việc, nhưng vì không biết chữ nên nhiều lúc phải nhờ người thân giúp. Với việc được học chữ, sau này khi chấp hành hết án phạt tù, được về làm người tự do, bản thân sẽ đi học lấy tấm bằng lái xe máy và xử lý công việc mà không phải nhờ cậy  người khác”.

Phạm nhân Trần Thanh Phong (SN 1995), ở huyện Bù Đốp (Bình Phước) cũng mong muốn sớm đọc thông, viết thạo. Phong bày tỏ: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, mẹ bị bại liệt, nên bản thân chưa một ngày được tới trường. Nhiều khi thấy bạn bè đọc sách báo, tôi cũng thấy xấu hổ vì không biết họ đang đọc gì ở trong đó. Vào trại, mang thân tù tội, nhưng lại được học chữ, nên tôi vui lắm, vì sắp tới đã có thể đọc sách báo, tìm kiếm những thông tin bổ ích. Sau khi biết đọc, biết viết thành thạo, việc đầu tiên tôi  làm là viết thư gửi về cho mẹ bất ngờ. Tôi sẽ kể cho mẹ nghe về việc được đến lớp học chữ, chắc chắn mẹ sẽ bất ngờ vì những năm tháng ở ngoài xã hội con mình chưa làm được. Thế nhưng, khi vào tù, phía sau những bức tường cách ly với xã hội thì nơi đó đang có rất nhiều những câu chuyện nhân văn, giúp phạm nhân hướng thiện”.  

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị Trại giam Đắk P’lao, quá trình dạy chữ là một trong những nội dung để đơn vị đánh giá kết quả cải tạo, xét giảm án cho phạm nhân. Vì vậy, các phạm nhân xem đây là động lực để thể hiện sự quyết tâm cao trong việc học chữ. Mục đích của việc xóa mù chữ là giúp phạm nhân có nền tảng cơ bản để tiếp thu những kiến thức về pháp luật, nắm bắt những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, qua đó nhận biết được cái tốt, cái xấu. Đặc biệt, sau này khi hết án phạt tù, trở về với cuộc sống đời thường, các phạm nhân không tái phạm tội nữa mà có thể xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Gieo chữ” hướng thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO