"Góc khuất" từ một số dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp

Phóng sự: Công Tính| 25/10/2018 10:18

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 40 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: “Trong tổng số các dự án nông lâm nghiệp này thì chỉ có 12 dự án hoạt động ổn định và có hiệu quả bước đầu”.

ADQuảng cáo

Vậy phần lớn những dự án còn lại hoạt động như thế nào? Qua quá trình tìm hiểu các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cho thấy, nhiều câu chuyện bất ổn đang âm ỉ từ các dự án này.

Kỳ 1: Triển khai dự án, rừng thành đồi trọc

Được UBND tỉnh giao những khu đất trù phú với nhiều diện tích rừng tự nhiên xanh tốt, nhưng chỉ qua vài năm nhận dự án, từ hàng trăm ha đất rừng, rừng của Công ty TNHH Thương mại Đỉnh Nghệ (gọi tắt là Công ty Đỉnh Nghệ) đến Công ty Cổ phần Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) đã “bay mất”.

Trơ trọi dự án Công ty Đỉnh Nghệ

Tháng 6/2009, Công ty Đỉnh Nghệ được UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định cho thuê 172,7 ha đất rừng, rừng tại khoảnh 8 và 9, tiểu khu 1658, 1659, địa phận xã Quảng Sơn, trong đó có 107,8 ha đất có rừng thuộc diện khoanh nuôi bảo vệ. Diện tích còn lại là đất trồng keo lai, chăn nuôi, giao thông. Qua các lần điều chỉnh, đến năm 2014, sau khi tỉnh thu hồi, dự án còn hơn 130 ha, trong đó có 99 ha rừng... Dự án được kỳ vọng sau 7 năm sẽ cung cấp khoảng 3.600 m3 nguyên liệu (keo lai) cho chế biến lâm sản, 60 con bò thịt và 3.600 con heo thịt ra thị trường.

Video: Diện tích rừng, đất rừng của Công ty Đỉnh Nghệ bị phá làm nương rẫy:

Những ngày cuối tháng 9, có mặt khu vực được xem là vùng lõi dự án Công ty Đỉnh Nghệ, ngoài một vài vạt rừng còn sót lại ven tỉnh lộ 6, như để che mắt người đi đường thì xung quanh có rất nhiều nhà ở và nương rẫy. Hỏi những người dân đang canh tác ở khu vực này, họ khẳng định, phần rừng của Công ty Đỉnh Nghệ còn sót lại chỉ còn vài ha. Theo chân những người nông dân, chúng tôi được thấy những quả đồi đã giao cho Công ty Đỉnh Nghệ giờ trơ trọi. Đất rừng giờ thành rẫy cà phê, hồ tiêu mới trồng. Ở những phần đất, rừng còn sót lại thì cây rừng đổ xuống ngổn ngang. Cạnh những cây rừng bị đốn hạ, bị đốt cháy đen là  những cây cà phê mới đâm chồi.

Diện tích rừng bị chặt phá của Công ty Đỉnh Nghệ

ADQuảng cáo

Những người dân sống lâu năm ở đây cho biết, họ chưa thấy dự án chăn nuôi hay trồng rừng lớn nào được Công ty Đỉnh Nghệ thực hiện. Chúng tôi cũng đã đi khá nhiều lần, nhưng cũng không thấy "dấu vết" của các dự án này. Chúng tôi đến trụ sở Công ty thì thấy các phòng chức năng đang bị khóa. Cách không xa trạm kiểm lâm địa bàn và trụ sở Công ty Đỉnh Nghệ, dễ dàng gặp những vạt rừng có nhiều cỏ mới đã mọc lên, dần che khuất những cây rừng đã bị đốn hạ. Ngay sát các vạt rừng này là nương rẫy xanh tốt bao trùm.

Kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, đến tháng 9/2016 Công ty Đỉnh Nghệ chỉ còn quản lý khoảng 49,8 ha. Trong đó diện tích rừng tự nhiên 46,8 ha và 3 ha đất phi nông nghiệp. Diện tích đất còn lại hơn 80 ha đất không có rừng và đất khác đã bị người dân phá rừng, lấn chiếm.

Công ty Thiên Sơn, “bốc hơi” hơn 123 ha rừng

Cuối năm 2009, Công ty Thiên Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 423 ha đất rừng, rừng để thực hiện dự án nông lâm nghiệp trên địa phận xã Quảng Sơn. Cuối tháng 10/2010, sau khi điều chỉnh, dự án còn hơn 222 ha rừng phải bảo vệ, khoanh nuôi, 167 ha đất trồng rừng và đất khác…

Tương tự như Công ty Đỉnh Nghệ, nhiều diện tích đất rừng, rừng được tỉnh giao cho Công ty Thiên Sơn quản lý đã trở thành đất nương rẫy. Những diện tích rừng còn sót lại của doanh nghiệp cũng đang bị cây trồng của các hộ dân bao chiếm. Thống kê của Thanh tra tỉnh, qua kết quả nghiệm thu cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm 2016, diện tích rừng tự nhiên còn lại của dự án là 98,22 ha. Như vậy, với diện tích được giao ban đầu là 222 ha thì Công ty Thiên Sơn đã để mất hơn 123 ha rừng.

Đất dự án từ Công ty Đỉnh Nghệ sáng đến Công ty Thiên Sơn hầu như là nương rẫy

Số liệu về diện tích rừng bị mất của Công ty Thiên Sơn là những con số trong hồ sơ, sổ sách từ năm 2016. Theo những người dân địa phương, số liệu này trên thực tế, đến nay phải lớn hơn rất nhiều. Kết luận Thanh tra tỉnh vào cuối tháng 9/2017, chỉ rõ: Ngay khi được giao rừng tự nhiên, Công ty Thiên Sơn đã cắm mốc quản lý, tổ chức phương án bảo vệ rừng trình Kiểm lâm tỉnh (giai đoạn 2010-2014; 2015-2019); đồng thời xây dựng 4 trạm bảo vệ và bố trí nhân lực. Tuy nhiên, qua kiểm tra, trong 6 năm thực hiện dự án, Công ty chỉ hợp đồng thời vụ thuê 5 người (tổng thời gian thuê 24 tháng) để quản lý bảo vệ.

Đất, tài sản trên đất dự án (rừng) được Nhà nước giao cho các doanh nghiệp giờ phần lớn trở thành nương rẫy. Tại sao người dân tứ xứ lại có thể vào vùng dự án canh tác, sản xuất? Có hay không sự tham gia của doanh nghiệp trong việc mua-bán đất rừng, rừng với người dân?.

>>Kỳ 2: Mua bán đất dự án và những cuộc tranh chấp

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Góc khuất" từ một số dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO