"Góc khuất" từ một số dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp (kỳ 2): Mua bán đất dự án và những cuộc tranh chấp

Phóng sự: Công Tính| 26/10/2018 13:46

Phần lớn diện tích đất của Công ty Thiên Sơn và Công ty Đỉnh Nghệ đã bị xâm chiếm canh tác. Phóng viên báo Đắk Nông đã đến những khu rừng đã và đang bị “gặm nhấm” bởi nương rẫy và được biết, có sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để cho doanh nghiệp, người dân mua bán đất rừng. Đây là nguồn gốc của những tranh chấp, khiếu kiện tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp.

ADQuảng cáo

Mua đất có “dấu đỏ”

Nhiều tháng qua, tình trạng kẻ gian vào vườn rẫy chặt phá hoa màu, xâm chiếm đất khiến nhiều hộ dân ở thôn Quảng Tín, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) như “ngồi trên đống lửa”. Bà Lưu Thị Viện dù có giấy mua bán đất có đóng dấu của Công ty Đỉnh Nghệ, do ông Hoàng Phi, Giám đốc ký sang nhượng từ tháng 5/2013 với giá 300 triệu đồng, nhưng cũng không khỏi lo lắng vì luôn bị đe dọa. Theo giấy sang nhượng, bà Viện mua hai lô (1 lô đất rẫy và 1 lô đất rừng) và được Công ty Đỉnh Nghệ cam kết không tranh chấp. Tuy nhiên, theo bà Viện, từ tháng 7/2016, khi đại diện Công ty Đỉnh Nghệ chuyển nhượng phần góp vốn cho ông Nguyễn Văn Khanh và một số thành viên khác thì việc tranh chấp bắt đầu xảy ra.

Giấy sang nhượng đất rừng, rừng của Công ty Đỉnh Nghệ bán cho bà Lưu Thị Viện

Cũng theo bà Viện, mặc dù gia đình bà mua bán có giấy tờ với Công ty Đỉnh Nghệ đàng hoàng, nhưng gia đình thường bị các đối tượng vào hành hung, đe dọa. “Các đối tượng này đều sống tại địa phương và đều làm việc cho Công ty Đỉnh Nghệ. Họ vào dùng cưa máy chặt phá phần diện rừng của gia đình đang quản lý và đòi thu lại toàn bộ diện tích rừng”, bà Viện bức xúc cho biết.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, đại diện Công ty Đỉnh Nghệ sang nhượng phần góp vốn cho ông Nguyễn Văn Khanh và 6 thành viên khác ở xã Quảng Sơn với tổng trị giá gần 2,6 tỷ đồng thực chất là vụ mua bán đất rừng trái phép. Thanh tra tỉnh còn nêu: “Có thông tin”, ông Nguyễn Văn Khanh đã chuyển nhượng lại khoảng 100 ha cho ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1951, ở TP. Hà Nội) và ông Nguyễn Văn Tiện (SN 1970, ở tỉnh Gia Lai).

Cũng là một nạn nhân của tình trạng bị đe dọa, đòi tiền đất, anh Nguyễn Văn Hoàng bức xúc cho biết: “Chỉ trong vài tháng giữa năm 2018, nhiều đối tượng làm cho ông Khanh vào nhà đe dọa, đòi gia đình phải nộp hàng trăm triệu đồng. Khi gia đình không nộp tiền thì xảy ra vụ việc hàng trăm trụ tiêu bị chặt phá”. Theo anh Hoàng, đất của gia đình anh mua lại rẫy nương của một gia đình ở địa phương từ năm 2015. Khi mua bán thì khu vực này đã là rẫy canh tác ổn định, chứ không hề có rừng. Tuy nhiên, nhiều đối tượng làm cho Công ty Đỉnh Nghệ vẫn thường xuyên vào hành hung.

Video: Người dân phản ánh phá rừng và tranh chấp đất đai:

Liên quan đến việc người dân tranh chấp với dự án, theo kết luận Thanh tra tỉnh vào cuối tháng 9/2017 cho thấy, qua xác minh, riêng vùng dự án Công ty Đỉnh Nghệ có 80 hộ dân sinh sống, trong đó, có 6 hộ dân khai báo mua bán đất của đồng bào. Đến thời điểm thanh tra, khu vực dự án đã xảy ra 1 vụ khiếu kiện, 3 vụ gây rối trật tự liên quan đến đất đai. Công an huyện Đắk Glong đã khởi tố 2 vụ gây thương tích và 1 vụ phá hoại tài sản.

ADQuảng cáo

Liên kết… sang nhượng đất rừng trái phép

Theo phương án được cơ quan chức năng phê duyệt, đến hết năm 2011, Công ty Thiên Sơn trồng mới hơn 164 ha rừng. Tuy nhiên, đến thời điểm Thanh tra tỉnh có kết luận (cuối tháng 9/2017) đơn vị này mới trồng được gần 58 ha rừng. Phần lớn diện tích rừng trồng được Công ty Thiên Sơn giao cho các hộ dân chăm sóc với hợp đồng liên doanh liên kết, thời hạn 40 năm. Nội dung hợp đồng là Công ty Thiên Sơn góp vốn bằng diện tích rừng trồng, còn người dân bỏ vốn đầu tư trồng các loại cây xen canh dưới tán rừng và chăm sóc.

Về những trường hợp liên kết đầu tư sản xuất cây công nghiệp dài ngày dưới tán rừng với người dân của Công ty Thiên Sơn, Thanh tra tỉnh khẳng định “có dấu hiện sang nhượng đất rừng trái pháp luật (luật Đất đai) và “có dấu hiệu” vi phạm Bộ luật Hình sự. Cụ thể, trong số 14 hộ hợp đồng với Công ty Thiên Sơn thì có một số trường hợp trong hợp đồng thể hiện Công ty đã nhận tiền của bên liên kết; 1 trường hợp bên nhận liên kết viết giấy sang nhượng đất cho người khác với nội dung “diện tích đất chuyển nhượng đã mua của Công ty”.

Chúng tôi đã đến những nơi mà các đám rẫy đã và đang “gặm nhấm” từng vạt rừng còn sót lại. Nhiều người dân sống lâu năm ở đây khẳng định, những diện tích rừng còn lại này sẽ sớm bị xóa sổ. Ông Phan Quốc Lập, thôn Quảng Tín, xã Quảng Sơn khẳng định: “Khi tôi mua đất của người dân địa phương để canh tác từ năm 2013 thì đất rừng của Công ty Thiên Sơn và Công ty Đỉnh Nghệ vẫn còn. Việc phá rừng và tranh chấp đất đai xảy ra phần lớn là do các đơn vị này bán đất cho người dân”. Cũng theo ông Lập, chính việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để cho doanh nghiệp, người dân mua bán đất rừng, rồi phá rừng đã dẫn đến các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện.

Biểu đồ diện tích rừng Công ty Đỉnh Nghệ bị mất

Ngoài diện tích đất liên doanh liên kết với người dân, Công ty Thiên Sơn đã để người dân lấn chiếm hơn 195 ha đất (chiếm 45% diện tích dự án). Trên diện tích lấn chiếm, người dân đã làm nhà ở, trồng cây công nghiệp dài ngày và hoa màu. Qua xác minh của cơ quan chức năng (đến tháng 9/2017), trong vùng dự án của Công ty Thiên Sơn có 36 hộ lấn chiếm, sinh sống và làm nhà kiên cố. Cũng tại khu vực dự án Công ty, tình trạng mua bán, sang nhượng, gây rối trật tự an ninh nông thôn diễn ra phức tạp. Vùng dự án Công ty đã xảy ra 5 vụ khiếu kiện, 6 vụ gây rối trật tự liên quan đến đất đai.

Báo Đắk Nông đã phản ánh, tháng 2 năm 2008, Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn được thuê quyền sử dụng đất và thuê rừng trên diện tích 1.079 ha, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Trong đó, diện tích khoanh nuôi quản lý, bảo vệ  rừng là 507,7 ha; trồng cao su 441 ha; trồng điều 68,1 ha; trồng rừng là 62,2 ha. Theo kết quả thanh tra mới đây, toàn bộ diện tích 507,7 ha rừng đã bị mất trắng. Trong diện tích trên 571,3 ha trồng cao su, điều và trồng rừng cũng bị người dân lấn chiếm phần lớn.

Những câu chuyện lấn chiếm đất rừng, phá rừng và mua bán, sang nhượng đất tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp phần nào cho thấy, ngoài trách nhiệm của chính doanh nghiệp thì còn những “lỗ hổng” trong kiểm tra, giám sát cơ quan chức năng  và chính quyền địa phương.

>>Kỳ 3: Quản lý và kiểm tra lỏng lẻo

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Góc khuất" từ một số dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp (kỳ 2): Mua bán đất dự án và những cuộc tranh chấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO