"Góc khuất" từ một số dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp (kỳ 3): Quản lý và kiểm tra lỏng lẻo

Phóng sự: Công Tính| 29/10/2018 13:45

Điểm chung của các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là hiệu quả đầu tư không đạt như mong đợi. Trong khi đó, tài nguyên giao cho các doanh nghiệp bị bào mòn, đồng thời xuất hiện thêm các điểm nóng về an ninh nông thôn… Vậy, vai trò của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với các dự án này như thế nào?

ADQuảng cáo

Thiếu trách nhiệm trong kiểm tra

Để được đầu tư các dự án nói chung và dự án sản xuất nông lâm nghiệp nói riêng, các doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực của mình. Như trường hợp Công ty Thiên Sơn, tổng mức đầu tư dự án sản xuất nông lâm nghiệp trên diện tích hơn 400 ha, với thời hạn 50 năm được phê duyệt là 116,8 tỷ đồng (Công ty bảo đảm 50% nguồn vốn, còn lại 50% vốn vay ưu đãi). Đến năm 2011, sau hơn một năm được giao đất, Công ty xin điều chỉnh quy mô dự án lên 153,161 tỷ đồng. Về năng lực đầu tư, Công ty Thiên Sơn có tổng vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Biểu đồ diện tích rừng tự nhiên của Công ty Thiên Sơn bị "gặm nhấm"

Mặc dù Công ty Thiên Sơn khai trong sổ sách với cơ quan chức năng tiềm lực và năng lực thực hiện dự án lớn, nhưng qua kiểm tra của Thanh tra tỉnh “Báo cáo quyết toán tài chính năm 2015, đến ngày 31/12/2015, vốn đầu tư sở hữu Công ty là 5 tỷ đồng, chưa  bảo đảm năng lực tài chính theo cam kết”. Cam kết nguồn vốn đầu tư và triển khai các dự án quy mô lớn, nhưng trên thực tế Công ty Thiên Sơn cũng chưa từng thực hiện dự án sản xuất có quy mô tương tự.

Trường hợp dự án đầu tư của Công ty Đỉnh Nghệ cũng tương tự. Năm 2009, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Đỉnh Nghệ thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp với số vốn hơn 14,5 tỷ đồng. Theo phương án sản xuất được phê duyệt, đơn vị này triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, trồng keo lai (35,5 ha), trồng cỏ (7,1 ha). Từ năm 2010-2012, Công ty triển khai nuôi bò… Qua tìm hiểu trên thực tế, đơn vị này không hề trồng rừng, trồng cỏ, hay chăn nuôi theo phương án đã được phê duyệt.

Liên quan đến quá trình triển khai các dự án, Thanh tra tỉnh chỉ rõ, Sở Kế hoạch Đầu tư đã không kịp thời theo dõi, kiểm tra, giám sát việc đầu tư; không tổ chức đánh giá đầu tư để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường thiếu kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện dự án; thiếu giám sát việc quản lý sử dụng đất của doanh nghiệp...

Video: Nhiều hộ dân dựng nhà trái phép trên đất dự án:

Quản lý lỏng lẻo

Thực tế, chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty Đỉnh Nghệ đã để mất gần cả trăm ha rừng và đất rừng của dự án. Tính riêng từ năm 2009-2016, số diện tích rừng tự nhiên được giao cho Công ty này nhưng đã bị phá là 51,5 ha. Vậy mà, Công ty chỉ phát hiện, báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong lập biên bản xử lý hơn 9 ha. Số diện tích bị phá còn lại, Công ty cũng như cơ quan chức năng không phát hiện?. Chúng tôi xin nhắc lại thông tin đã phản ánh ở kỳ trước, phần diện tích đất rừng, rừng giao cho Công ty Đỉnh Nghệ quản lý nằm sát ngay đường tỉnh lộ, cách không xa trạm kiểm lâm địa bàn.

ADQuảng cáo

Đất được giao cho Công ty Đỉnh Nghệ quản lý hiện nay có nhiều nhà dân

Trường hợp dự án của Công ty Thiên Sơn cũng không khác là mấy. Trong tổng số diện tích rừng bị mất hơn 123 ha thì đơn vị này chỉ báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong lập biên bản, xử lý 5 vụ, với diện tích hơn 9,4 ha. Thống kê của Thanh tra tỉnh, diện tích rừng mà Công ty Thiên Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện, chính quyền xã Quảng Sơn không phát hiện xử lý là 114,3 ha. Tại sao chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong suốt một thời gian dài không phát hiện được những sự việc này?.

Qua trưng cầu giám định của Sở Nông nghiệp và PTNT, giá trị tài nguyên rừng của Nhà nước bị thiệt hại liên quan đến diện tích rừng giao cho Công ty Thiên Sơn quản lý đã  bị mất là hơn 25,6 tỷ đồng. Trường hợp rừng bị mất của Công ty Đỉnh Nghệ cũng gây thiệt hại hơn 6,4 tỷ đồng. Với năng lực, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp này thì khả năng bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng cho Nhà nước là rất khó khăn.

Cần “đại phẫu” các dự án nông lâm nghiệp

Từ thực tế diễn ra tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập trong công tác kiểm tra, rà soát hoạt động các dự án; phát hiện và xử lý triệt để vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng… Thanh tra tỉnh đã chỉ ra hàng loạt cán bộ có vi phạm liên quan đến hai dự án sản xuất nông lâm nghiệp của Công ty Thiên Sơn và Đỉnh Nghệ từ 2009-2016 như sau: Ở xã Quảng Sơn có 3 chủ tịch UBND xã là: Phạm Hồng Thái, Trần Thanh Chương và Đỗ Ngọc Hiếu, cùng với 4 cán bộ địa chính. Đối với lực lượng kiểm lâm, Thanh tra tỉnh yêu cầu kiểm điểm 13 người gồm trạm trưởng Tôn Thất Hoàng; Trạm phó Nguyễn Tuấn Anh và 11 kiểm lâm viên.

Cũng liên quan đến kết luận của Thanh tra tỉnh tại Công ty Đỉnh Nghệ, ngày 20/12/2017, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch đầu tư thu hồi dự án này. Ngày 26/12/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có quyết định chấm dứt hoạt động dự án.

Đối với những sai phạm của những cá nhân liên quan, huyện Đắk Glong cũng như Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ này. Trong đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức rà soát, kiểm điểm Chi cục trưởng và hai Chi cục phó; Hạt trưởng và các Hạt phó Kiểm lâm huyện Đắk Glong (giai đoạn 2009-2010 đã hết thời hiệu xử lý). Đối với 8 cán bộ kiểm lâm địa bàn (giai đoạn 2016, đến nay) trong thời gian qua đã bị kiểm điểm từ khiểm trách đến cảnh cáo.

Những vi phạm liên quan đến các dự án:

- Chủ dự án:Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất; có dấu hiệu sang nhượng đất rừng trái pháp luật; chưa tạo công ăn việc làm cho người dân vùng dự án…

- Các ngành liên quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư, không thực hiện theo dõi, kiểm tra, giám sát việc đầu tư; không tổ chức đánh giá đầu tư kịp thời để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý. Sở Nông nghiệp và PTNT, thiếu chỉ đạo, giám sát, kiểm tra lực lượng kiểm lâm trong công tác thẩm định dự án, quản lý bảo vệ rừng… Sở Tài nguyên và Môi trường, thiếu kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng đất của doanh nghiệp; chưa phát hiện, chỉ đạo xử lý kịp thời tình trạng sang nhượng đất rừng trái phép.

- Các cá nhân: Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong (từ 2010 đến 2017); Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong, các kiểm lâm viên (từ 2009-2010); các chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (từ 2009-2017) cũng chịu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát bảo vệ rừng tại các dự án này…

Để chấn chỉnh hoạt động các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngày 23/5/2018, UBND tỉnh có công văn yêu cầu các đơn vị có liên quan tham mưu, xử lý đối với các dự án nông lâm nghiệp chậm tiến độ, không triển khai thực hiện được trên địa bàn. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập tổ kiểm tra các dự án này (Dự kiến việc kiểm tra sẽ kéo dài đến đầu tháng 11/2018). Hy vọng qua cuộc kiểm tra này, chúng ta sẽ thấy rõ hơn toàn cảnh bức tranh thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở để các địa phương, ngành liên quan thực hiện “đại phẫu” các dự án này.

Kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm liên quan đến việc giao, nhận khoán đất rừng

Đó là nhiệm vụ đặt ra đối với cấp ủy, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp trong quý IV năm 2018 tại Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát do UBKT Tỉnh ủy tổ chức vào chiều 25/10.

Theo đó, UBKT các cấp đẩy mạnh kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm liên quan đến việc giao, nhận khoán đất rừng theo Nghị định 135 của Chính phủ và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước Kế hoạch 437 của UBND tỉnh...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Góc khuất" từ một số dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp (kỳ 3): Quản lý và kiểm tra lỏng lẻo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO