Hai phóng viên tống tiền doanh nghiệp phải đối diện mức án nào?

Thúy Anh| 29/10/2020 20:26

Ngày 27/10/2020, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thanh Hải (SN 1980), Trưởng Văn phòng Đại diện Nam Trung Bộ – Tây Nguyên của Tạp chí điện tử Thương hiệu và Pháp luật và Trần Bá Nhật (SN 1990), phóng viên của tạp chí này, để điều tra, làm rõ về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

ADQuảng cáo

Tối 26/10/2020, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ Nguyễn Thanh Hải và Trần Bá Nhật khi đang có hành vi cưỡng đoạt 150 triệu đồng của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tuy Đức. Hiện cơ quan chức năng đang củng cố, hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can hai đối tượng này.

Nguyễn Thanh Hải cùng tang vật. Ảnh: Minh Quỳnh

Nhiều người đang đặt câu hỏi nếu bị truy cứu trước pháp luật, với hành vi cưỡng đoạt của doanh nghiệp 150 triệu đồng, hai phóng viên này sẽ phải đối diện với mức án nào?

ADQuảng cáo

Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 355, Bộ Luật Hình sự 2015. Theo tham khảo từ một số luật sư, với số tiền chiếm đoạt là 150 triệu đồng, cùng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, hai phóng viên này rất có thể sẽ bị truy cứu theo Khoản 2, Điều 355, Bộ Luật Hình sự 2015, có khung hình phạt từ 6-13 năm tù.

Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định thêm hành vi phạm tội hoặc các tổn hại khác mà hai đối tượng này gây ra cho doanh nghiệp bị chiếm đoạt tiền thì có thể truy cứu ở khung hình phạt cao hơn, có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Rõ ràng, dù ở mức hình phạt nào thì cũng là cái giá quá đắt cho hai phóng viên phạm tội. Đây cũng chính là bài học đắt giá, là lời cảnh tỉnh cho những nhà báo, phóng viên lợi dụng nghề nghiệp để làm những điều bất chính.

Điều 355, Bộ Luật Hình sự 2015

1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai phóng viên tống tiền doanh nghiệp phải đối diện mức án nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO