Hàng loạt sai phạm tại dự án của Công ty Nguyên Vũ

Ngàn Sâu| 16/05/2018 08:24

Thanh tra Dự án quản lý kinh doanh rừng và đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp tại Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ (Công ty Nguyên Vũ), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Đắk Nông đã chỉ ra hàng loạt sai phạm và kiến nghị thu hồi dự án.

ADQuảng cáo

Trụ sở Công ty Nguyên Vũ trong tình trạng đóng cửa

Rừng mất, đất bị bán

Ngày 21/1/2016, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 139/QĐ-UBND giao cho Công ty Nguyên Vũ 158,48 ha rừng sản xuất là thông tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong) để quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh rừng. Thời hạn thuê đất là 50 năm và Công ty Nguyên Vũ đã đóng tiền thuê đất hơn 5,7 tỷ đồng. 

Tại thời điểm thanh tra, diện tích rừng còn 123,73 ha, giảm 34,75 ha. Trong lâm phần của công ty này có 5 khu vực bị người dân lấn chiếm, với diện tích 7,1 ha. Đặc biệt, đã xảy ra tình trạng mua bán đất rừng trái phép trong lâm phần của Công ty Nguyên Vũ. 

Lực lượng thanh tra của Sở NN và PTNT đã thu thập được 7 biên bản kiểm tra của UBND xã Quảng Sơn đối với 7 hộ dân nhận chuyển đất nhượng trái phép trong lâm phần của Công ty Nguyên Vũ, với tổng diện tích là 5,7788 ha. Đó là các trường hợp Lương Hữu Dũng, Lê Văn Diệu, Lê Đình Thi, Nguyễn Bá Tòng, Đinh Thị Nhung, Chu Văn Chung, Vũ Tùng Dương, đều trú tại xã Quảng Sơn. Ngoài ra, có 11 hộ dân khác đã lấn chiếm 301m2 đất của Công ty Nguyên Vũ để làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp.

Kết quả thanh tra còn chỉ ra hàng loạt sai phạm khác của Công ty Nguyên Vũ như: chưa nộp hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án quản lý kinh doanh rừng và đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp theo quy định; chậm xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chưa kiện toàn ban chỉ huy thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, chưa tổ chức tuyên truyền, đóng các biển báo để hạn chế phá rừng, lấn chiếm đất rừng; chưa tổ chức xây dựng lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách để phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng.

ADQuảng cáo

Nhiều diện tích thông của Công ty Nguyên Vũ bị chặt phá

Giao rừng trái quy định

Công ty Nguyên Vũ là một tổ chức kinh tế và chỉ được Nhà nước giao rừng có thu tiền bằng thủ tục đấu giá quyền sử dụng rừng. Tuy nhiên, việc giao rừng này đã không được thông báo công khai để các tổ chức khác biết và tham gia. Công ty Nguyên Vũ được UBND tỉnh giao rừng sản xuất là rừng trồng có thu tiền. Thế nhưng, trong quá trình tính toán, xác định tiền sử dụng rừng, Chi Cục Lâm nghiệp (cũ) đã áp dụng cách tính nội suy theo quy định tại Quyết định số 1578/QĐ-UBND ngày 4/10/2013 của UBND tỉnh là không đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, việc giao rừng cho Công ty Nguyên Vũ là trái với các quy định của pháp luật hiện hành.

Sở NN và PTNT kiến nghị thu hồi toàn bộ diện tích rừng thông đã giao cho Công ty Nguyên Vũ

Theo kết luận thanh tra, Công ty Nguyên Vũ đã vi phạm Điều 37 và Điều 60, luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh. Căn cứ vào Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND, ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh và các quy định của pháp luật hiện hành, Công ty Nguyên Vũ phải bị thu hồi toàn bộ diện tích rừng đã được giao.

Từ kết quả thanh tra, Sở NN và PTNT kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi toàn bộ diện tích đã giao cho Công ty Nguyên Vũ và yêu cầu Công ty Nguyên Vũ bồi thường thiệt hại đối với 34,765 ha rừng đã bị mất, đồng thời xử lý trách nhiệm chủ rừng, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm liên quan. Đặc biệt, Sở NN và PTNT kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tiến hành điều tra, xử lý hành vi mua bán, hủy hoại rừng tại dự án của Công ty Nguyên Vũ.

Trong quá trình thanh tra, Sở NN và PTNT đã nhiều lần gửi giấy mời lãnh đạo Công ty Nguyên Vũ để làm việc và phối hợp với Đoàn thanh tra, nhưng Công ty Nguyên Vũ đều không chấp hành. Công ty Nguyên Vũ cũng không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt sai phạm tại dự án của Công ty Nguyên Vũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO