Hệ lụy dai dẳng từ các dự án nông lâm nghiệp (kỳ cuối): Cần thêm sự quyết liệt

Lê Phước| 24/09/2021 06:30

Phương án xử lý tồn tại ở các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn Đắk Nông đã được đưa ra từ lâu nhưng việc triển khai chậm trễ. Đây là một trong những vấn đề lớn của địa phương, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và bố trí nguồn lực phù hợp để giải quyết.

ADQuảng cáo

Phương án có nhưng "khó" triển khai

Cách đây 3 năm, ngày 26/12/2018, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 2159 về việc phê duyệt phương án giải quyết các tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn (gọi tắt là QĐ2159). Trong QĐ2159, có phương án giải quyết vi phạm, tồn tại ở các dự án nông lâm nghiệp.

Theo phương án trong QĐ2159, các dự án giao đất, giao rừng thực hiện không đúng phải điều chỉnh dự án hoặc thu hồi. Các phần đất bị lấn, chiếm trước khi Nhà nước giao cho các doanh nghiệp thì bóc tách, giao về cho các địa phương quản lý theo hướng cho các hộ đang canh tác “thuê đất” để ổn định sản xuất. Trong trường hợp đất bị lấn, chiếm nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thì người dân phải trồng rừng hoặc sản xuất nông lâm kết hợp để tăng độ che phủ…

QĐ2159 được ban hành theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông. Phương án được xây dựng từ ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành với phương châm: căn cứ quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. QĐ2159 được đánh giá là khả thi vì có phương án giải quyết cả vấn đề bảo đảm sinh kế của người dân.

Rừng tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp ở Đắk Nông vẫn bị phá

Tuy đã có phương án, lộ trình rõ ràng nhưng các sở, ban, ngành có liên quan thừa nhận, kết quả triển khai thực hiện QĐ2159 sau hơn 3 năm rất hạn chế. Các mốc đặt ra trong phương án đều bị kéo giãn.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh, việc thu hồi các dự án cần nguồn lực, kinh phí rất lớn để thuê đơn vị tư vấn, đánh giá. Để thu hồi dự án cần rất nhiều thời gian, thực hiện đầy đủ các bước: tính toán tài sản đầu tư, yêu cầu bồi thường thiệt hại về rừng, xử lý sai phạm đất đai… “Đây là một tồn tại lớn, kéo dài. Sở đã thực hiện được một số phần việc rồi, đang tiếp tục triển khai và tiên lượng rất khó khăn”, ông Anh cho hay.

Theo ông Lưu Văn Long, Trưởng Phòng Quy hoạch - Giao đất, Sở TN&MT Đắk Nông, muốn thu hồi dự án thì phải đo đạc lại hiện trạng, xử lý tài sản của doanh nghiệp đầu tư trên đất (nếu có). Căn cứ vào kết quả đo đạc, cắm mốc giới cụ thể thì mới thu hồi dự án, bàn giao cho các đơn vị khác.

“Khó khăn lớn nhất là kinh phí đo đạc, càng chi tiết thì càng tốn kém. Một số dự án đã triển khai đo đạc nhưng chưa được bố trí kinh phí để thành lập bản đồ thu hồi đất”, ông Long cho hay.

Từ năm 2015 tới nay, Thanh tra tỉnh Ðắk Nông và thanh tra chuyên ngành đã mở rất nhiều cuộc thanh tra tại các dự án nông, lâm nghiệp. Các đơn vị đã chỉ ra những sai phạm lớn và đề xuất thu hồi nhiều dự án. Nhưng hiện tại, mới chỉ có 1/41 dự án nông, lâm nghiệp bị thu hồi.

Cần dứt khoát hơn

Xử lý tồn tại ở các dự án sản xuất nông lâm nghiệp là một phần trong “bài toán” xử lý vấn đề rừng và đất rừng tại các tỉnh Tây Nguyên. Đây là vấn đề được Bộ Chính trị, Ban Bí thư TW Đảng rất quan tâm. Chính phủ đã giao cho Ban Kinh tế TW chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu giải pháp.

Xử lý việc lấn chiếm đất rừng ở Đắk Nông cần sự vào cuộc sớm và quyết liệt hơn

ADQuảng cáo

Vào tháng 7/2020, Ban Kinh tế TW đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức Hội nghị phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống người dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên tại Lâm Đồng. Tại Hội nghị, các tỉnh Tây Nguyên đã nêu hiện trạng và đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, các địa phương nêu cao quyết tâm giữ chặt diện tích rừng hiện có, từng bước khôi phục, tăng độ che phủ rừng khu vực trên cơ sở bảo đảm hài hòa sinh kế cho người dân.

Tại Hội nghị này, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế TW Cao Đức Phát khẳng định: Ban sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp và sẽ sớm tham mưu giải pháp giải quyết “bài toán khó” này. Trong thời điểm chưa có giải pháp cụ thể, các tỉnh Tây Nguyên phải kiên quyết bảo vệ diện tích rừng hiện có, không được lùi các con số diện tích, độ che phủ rừng.

Trở lại vấn đề tại các dự án nông lâm nghiệp tại Đắk Nông, phải thẳng thắn rằng việc xử lý các dự án vi phạm còn thiếu quyết liệt. Sau gần 3 năm ban hành, tỉnh chưa có đánh giá kết quả việc triển khai phương án của QĐ2159. Ngoài vấn đề nguồn lực, các vướng mắc khác chưa được ghi nhận, tháo gỡ kịp thời.

Trong buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh, Phó Bí thư Huyện ủy Đắk Glong Vũ Tiến Lư bày tỏ: Rất nhiều dự án sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn buông lỏng quản lý, để rừng bị lấn chiếm diện tích lớn, thậm chí còn mua bán, tranh chấp đất rừng. Chúng tôi rất mong tỉnh sớm thu hồi các dự án và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm.

Đắk Glong có diện tích rừng tự nhiên chiếm hơn 1/3 của tỉnh. Trong khi đó, số lượng dân di cư tự do lớn đã gây áp lực rất nhiều lên tài nguyên rừng. “Hiện nguy cơ phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Đắk Glong đang diễn ra từng ngày. Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đạt độ che phủ rừng 40% vào năm 2025 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đặt ra”, ông Lư chia sẻ.

Năm 2015, tỷ lệ che phủ rừng của Ðắk Nông là 39,1%. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2016 sẽ tăng độ che phủ lên 40%. Tiếp đó, mỗi năm sẽ tăng 0,5% và đạt độ che phủ 42% vào năm 2020. Nhưng đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của Ðắk Nông chỉ đạt 38%.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, rất nhiều dự án nông lâm nghiệp để xảy ra sai phạm. Các vi phạm này đã được thanh tra các cấp chỉ ra và đề nghị tỉnh thu hồi các dự án vi phạm. Nhưng tới nay, các vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để, nhiều nội dung trong kết luận thanh tra vẫn chưa được xử lý tới cùng.

“UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung trong kết luận thanh tra. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ bố trí nguồn lực và chỉ đạo các đơn vị thu hồi các dự án nông lâm nghiệp vi phạm theo phương án trong QĐ2159. Chúng tôi đề nghị cơ quan công an vào cuộc, điều tra và xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân sai phạm”, ông Yên cho hay.

Theo Đại tá Bùi Quang Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, qua rà soát, công an đã xác định một số khu vực có dấu hiệu tội phạm hoạt động theo băng nhóm, có các hành vi hủy hoại rừng, mua bán, tranh chấp đất rừng trái phép. “Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm tội phạm này. Chúng tôi quyết tâm giữ vững an ninh trật tự, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, Đại tá Thanh quyết tâm.

Sau một thời gian tạm lắng, vấn đề xử lý rừng và đất rừng tại các dự án nông lâm nghiệp tại Đắk Nông đã được tỉnh quan tâm hơn. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, Đắk Nông sẽ từng bước giải quyết được các hệ lụy tại các dự án nông lâm nghiệp. Điều này góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, góp một phần cùng Tây Nguyên giải quyết “bài toán khó” về rừng và đất rừng vốn kéo dài lâu nay.

Liên quan đến vấn đề loạt bài Báo Ðắk Nông phản ánh, Công an huyện Ðắk Glong vừa triệt phá một nhóm 7 đối tượng phá rừng tại xã Quảng Sơn (link bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/phap-luat-doi-song/dak-nong-bat-7-doi-tuong-pha-rung-voi-dien-tich-lon-88688.html). Ðây là nhóm đối tượng phá rừng “chuyên nghiệp”, có dấu hiệu mua bán đất rừng trái phép. Một trong số các đối tượng bị bắt đã từng môi giới để bán đất rừng khi PV nhập vai “cò đất” để tìm hiểu sự việc.

Công an triệt phá nhóm đối tượng phá rừng chuyên nghiệp ở Đắk Glong:

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy dai dẳng từ các dự án nông lâm nghiệp (kỳ cuối): Cần thêm sự quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO