Hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu: Nhiều vấn đề cần giải quyết

Tường Mạnh| 25/10/2017 09:49

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Báo cáo số 526 về tình hình thực hiện Nghị định số 94 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244 của Thủ tướng Chỉnh phủ về chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn đến năm 2020. Qua báo cáo cho thấy, công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh rượu cũng như phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.

ADQuảng cáo

Quản lý, kiểm tra, giám sát khó khăn

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, mặc dù không có doanh nghiệp hoạt động sản xuất rượu công nghiệp, nhưng trên địa bàn tỉnh hiện có đến 374 hộ nấu rượu thủ công (chủ yếu là rượu gạo) và cũng có đến 530 cơ sở bán lẻ sản phẩm rượu đang hoạt động.

Trong khi đó, từ năm 2013 đến nay, Sở Công Thương chỉ tiếp nhận và cấp 4 giấy phép kinh doanh buôn bán sản phẩm rượu cho 4 đơn vị trên địa bàn; các huyện, thị xã tiếp nhận và cấp 203 giấy phép kinh doanh buôn bán lẻ sản phẩm rượu.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, hiện nay các cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ, hoạt động không thường xuyên, sản lượng thấp, phạm vi thị trường tiêu thụ hẹp, nên hầu hết không thực hiện đăng ký để được cấp phép theo quy định. Mặt khác, ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các hộ tự nấu rượu để dùng hoặc kết hợp nấu rượu bán và lấy bã rượu để phục vụ chăn nuôi. Vì vậy, việc quản lý, cấp phép, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu rất khó khăn.

Các cơ sở sản xuất rượu thủ công không bảo đảm vệ sinh môi trường ở khắp các vùng nông thôn. Ảnh: Vũ Trang

Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và chính quyền địa phương đã lồng ghép để tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh bán lẻ rượu, bia và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, điều đáng nói là, kiểm tra ở đâu thì đều thấy vi phạm ở đó.

Cụ thể, Chi cục quản lý thị trường đã phát hiện 1 cơ sở kinh doanh rượu vi phạm các quy định và tịch thu, tiêu hủy 9,5 lít rượu trắng, 39 chai rượu ngâm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng cảnh sát môi trường kiểm tra 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và xử lý hành chính cả 3 cơ sở do không bảo đảm quy định về địa điểm, khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác.

ADQuảng cáo

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017, đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công (hộ gia đình) thì có đến 6 cơ sở vi phạm các quy định. Các đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện, thị xã tiến hành kiểm tra 58 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thì cũng có đến 45 cơ sở vi phạm…

Kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu, bia còn hạn chế

Đối với việc kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 17 về chấn chỉnh lề lối làm việc và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, Chỉ thị có nhấn mạnh đến nội dung “Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, uống rượu, bia trong giờ hành chính, kể cả giờ nghỉ trưa và giờ trực”. Trên cơ sở Chỉ thị, dưới sự chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, nhìn chung cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh nghiêm túc chấp hành. Về phía lực lượng cảnh sát giao thông cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, về phía chính quyền các địa phương vẫn chưa tăng cường được vai trò chỉ đạo, tuyên truyền phổ biến trong cộng đồng xã hội về các nội dung như: Không lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong việc hiếu hỉ, lễ hội; hộ gia đình không nấu rượu; gia đình, khu dân cư không có người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác; không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia… nên chưa đạt hiệu quả cao.

Đủ loại rượu ngâm có mặt trên thị trường. Ảnh: Vũ Trang

Theo đánh giá của UBND tỉnh và qua thực tế cho thấy, các ngành chức năng, chính quyền địa phương chưa triển khai được các giải pháp quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh cũng như quản lý quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Tỉnh cũng chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện cụ thể từng mục tiêu, giải pháp của chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn.

Thực tế trên đang đặt ra cho tỉnh, các ngành chức năng nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhất là tăng cường nguồn lực, kinh phí để triển khai có hiệu quả chủ trương của Chính phủ về hạn chế sản xuất, kinh doanh rượu cũng như phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu: Nhiều vấn đề cần giải quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO