Hội thi "Công chức tư pháp - hộ tịch giỏi năm 2017": Sân chơi ý nghĩa, kênh truyền tải pháp luật hiệu quả

Đặng Hiền| 02/11/2017 09:30

Sôi nổi, hấp dẫn, với nhiều khía cạnh của pháp luật là những gì người xem cảm nhận được từ Hội thi "Công chức tư pháp - hộ tịch giỏi năm 2017" vừa được UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức.

ADQuảng cáo

Không chỉ tuyên truyền quy định pháp luật, tiểu phẩm "Tình mẹ" của đội huyện Đắk Song đem lại phút lắng đọng cho người xem

Ngày hội của công chức tư pháp - hộ tịch

Đi từ 5 giờ sáng để đến kịp với hội thi, chị Tô Thị Thúy Phượng, cán bộ tư pháp-hộ tịch (TP-HT) xã Đắk Lao (Đắk Mil) chia sẻ: "Được tham gia hội thi, tôi thấy rất vui. Thông qua hội thi, tôi có thể bổ sung thêm kiến thức pháp luật cần thiết phục vụ cho công tác chuyên môn, nhất là giao lưu kiến thức với các bạn đồng nghiệp đến từ các huyện, thị xã khác".

Chỉ quen với công tác chuyên môn đơn thuần, chị Lê Thị Dung, công chức TP-HT xã Quảng Khê (Đắk Glong) khá hồi hộp khi đứng trên sân khấu để tham gia hội thi. Tuy nhiên, khi bước vào các phần thi, với những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế công tác, chị Dung đã tự tin thực hiện tốt phần thi cùng với thành viên của đội mình.

Chị Dung cho biết: "Để tham gia hội thi, tôi cùng các đồng nghiệp tranh thủ thời gian rảnh rỗi để ôn luyện, dàn dựng kịch bản từ trước đó cả tháng. Các tình huống, câu hỏi mà Ban tổ chức đưa ra rất gần gũi, sát thực với công tác tiếp công dân, xử lý công việc hàng ngày của chúng tôi".

Vốn dĩ, công tác TP-HT là những công việc mang đậm tính chất pháp lý, khô khan, cứng nhắc, nhưng tại hội thi, người xem lại có một góc nhìn khác, gần gũi với cuộc sống hàng ngày về những công chức TP-HT. Với tinh thần giao lưu, học hỏi, tâm huyết với nghề, 24 thí sinh của 8 đội đến từ các huyện, thị xã trên địa bàn đã thể hiện thành công 4 phần thi, từ màn chào hỏi, tìm hiểu kiến thức pháp luật đến xử lý tình huống, tiểu phẩm liên quan đến công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, hôn nhân gia đình…

Truyền tải quy định pháp luật

Phần thi tiểu phẩm được xem là phần thi lôi cuốn, có sức hấp dẫn, không chỉ những kiến thức pháp luật mà còn đem lại nhiều cảm xúc từ những câu chuyện đời, chuyện người rất thật, rất nhân văn. Các đội tự dàn dựng và trình diễn tiểu phẩm dưới các thể loại kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức phù hợp khác nhằm truyền tải các tình huống thực tiễn ở địa phương, đưa ra những ý tưởng, cách làm tốt, kinh nghiệm hay trong công tác TP-HT tại cơ sở. Với các tiểu phẩm, các quy định pháp luật vốn khô khan, khó hiểu lại trở nên gần gũi, thiết thực với người dân.

“Tình mẹ” là tiểu phẩm mà đội huyện Đắk Song mang đến hội thi, với nội dung xoay quanh các quy định về pháp luật liên quan đến việc lập di chúc. Người mẹ già cả, bị bệnh chỉ mong 2 con trai từ xa về thăm cho thỏa nỗi nhớ mong. Thế nhưng, các con của bà chỉ tranh nhau tài sản thừa kế, sợ mẹ sẽ đem cho cô em gái vốn chỉ là con nuôi nên đã thay mẹ viết di chúc để tự chia tài sản cho mình. Khi lên phường để làm thủ tục chứng thực, người con mới được cán bộ tư pháp giải thích các điều kiện để một di chúc có hiệu lực pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

ADQuảng cáo

Người cán bộ tư pháp không chỉ đứng ở góc độ pháp luật để giải thích tại sao bản di chúc trên không hợp lệ mà còn giảng giải cho người con hiểu đạo làm con phải chăm sóc cha mẹ. Không đơn giản là những kiến thức pháp luật, tiểu phẩm đã thực sự chạm vào trái tim của mỗi người trước câu chuyện về sự cám dỗ vật chất và tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý.

"Chuyện cưới ở bon tôi", tiểu phẩm của đội huyện Đắk Glong phản ánh rõ nét những hủ tục lạc hậu về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trái với quy định của pháp luật cần được xóa bỏ

Đội huyện Đắk Glong mang đến hội thi tiểu phẩm “Chuyện cưới ở bon tôi” xoay quanh tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống được chính quyền địa phương nỗ lực để xóa bỏ. Người cha vì không nắm rõ luật Hôn nhân và gia đình đã ép con gái mới 16 tuổi của mình phải lấy người anh họ theo hủ tục từ bao đời. Khi được cán bộ TP-HT xã đến tận nhà khuyên nhủ, tận tình giải thích, người cha mới vỡ lẽ rằng mình sai và không bắt con gái lấy người anh họ nữa.

Các tiểu phẩm dự thi được xây dựng sinh động, phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống, không những tạo hứng thú, lôi cuốn người xem mà còn truyền tải những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, giúp mỗi người tự xây dựng cho mình ý thức sống và làm việc theo pháp luật.

Lan tỏa đến người dân

Không chỉ các đội thi mà khán giả cũng có dịp được thể hiện sự hiểu biết pháp luật của mình thông qua những câu hỏi của Ban tổ chức đưa ra. Chị Vũ Thị Bích Diệp đến từ xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) vui mừng khi trả lời đúng câu hỏi quy định về kết hôn trái pháp luật theo luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và nhận được phần quà là 1 chiếc mũ bảo hiểm từ hội thi.

Hào hứng với phần khán giả giao lưu, thể hiện kiến thức pháp luật tại hội thi

Có thể thấy, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật không khó, nhưng để người được tuyên truyền nhớ, hiểu và thực hiện thì lại không phải là điều đơn giản. Hội thi đã phần nào tạo sự hào hứng tìm hiểu pháp luật cho không chỉ đội ngũ công chức TP-HT mà còn có sức lan tỏa đến đông đảo người dân.

Được biết, đây là năm đầu tiên Hội thi công chức tư pháp - hộ tịch giỏi cấp tỉnh được tổ chức. Trước đó, từ tháng 7 đến tháng 9/2017, các địa phương đã đồng loạt tổ chức hội thi cấp huyện để lựa chọn những thành viên xuất sắc tham gia tập luyện và dự thi cấp tỉnh.

Phát biểu bế mạc hội thi, đồng chí Cao Huy, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh - Trưởng Ban tổ chức hội thi đã khẳng định: Hội thi thật sự là ngày hội của những người làm công tác TP-HT. Qua hội thi, các thí sinh đã được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, từ đó hoàn thiện về chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời, đây là dịp tuyên truyền một cách sâu rộng, thiết thực nhất đến người dân, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thi "Công chức tư pháp - hộ tịch giỏi năm 2017": Sân chơi ý nghĩa, kênh truyền tải pháp luật hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO