“Không có vùng cấm” trong xử lý các hành vi vi phạm hủy hoại rừng

Tường Mạnh| 05/04/2017 14:11

Thời gian gần đây, các cơ quan pháp luật của tỉnh liên tiếp khởi tố và bắt tạm giam các cán bộ, nhân viên có liên quan đến việc để mất rừng ở các địa phương. Động thái đó thể hiện sự vào cuộc một cách quyết liệt, kiên quyết của cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng theo sự chỉ đạo của tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Rừng tại tiểu khu 1705, thôn Nghĩa Tín, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: Bình Minh

Cụ thể, ngày 16/3, cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Xuân Sáng, Đội trưởng Đội Phòng, chống khủng bố (Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh), về hành vi hủy hoại rừng. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, Sáng là người từng chủ mưu,  "bảo kê" để cho những người khác phá rừng, chiếm dụng đất đai tại các xã Đắk Ha, xã Quảng Sơn (Đắk Glong).

Ngày 28/3, cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Lê Xuân Bảo-nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Đức và Thái Thanh Tâm-nguyên Tổ trưởng Tổ quản lý, bảo vệ rừng của công ty này về hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 30/3, cơ quan chức năng cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Quốc Đính-nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa về hành vi vi phạm các quy định quản lý bảo vệ rừng.     

Chắc chắn không dừng lại ở đây mà các cơ quan chức năng của tỉnh cũng sẽ tiếp tục “mạnh tay”, đưa thêm các trường hợp là cán bộ, công chức có những sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ra trước ánh sáng pháp luật. Bởi vì, theo chỉ đạo của tỉnh, các cơ quan chức năng đang tập trung triển khai nhiều kế hoạch, chuyên án đấu tranh phòng, chống tội phạm hủy hoại rừng và vi phạm các quy định bảo vệ rừng.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, tại Kết luận số 110-KL/TU ngày 17/11/2016 của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU về ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2016-2020, Tỉnh ủy đã quán triệt quan điểm “lấy chống làm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột phá”.

Kết luận đã nêu rõ, trách nhiệm của cán bộ quản lý trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, quản lý đất đai (công ty lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương) còn buông lỏng. Một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực không đáp ứng yêu cầu, tiêu cực, thoái hóa biến chất, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất rừng trái phép...

Quan điểm “lấy chống làm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột phá” được xác định ở đây, đó là tập trung rà soát, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được giao rừng và cho thuê rừng có sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, tiếp tay, bao che cho việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng cần bị đình chỉ ngay, với tinh thần công khai, minh bạch, công bằng; không né tránh trách nhiệm, không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không có vùng cấm. Cơ quan chức năng tập trung đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm, các đối tượng “bảo kê, đầu nậu” liên quan đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Những vụ phá rừng phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào đầu tháng 3, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo: Các ngành, địa phương tăng cường thực hiện tốt việc quản lý đất đai, dân cư, nhất là phải vào cuộc một cách quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lâm luật, để lập lại kỷ cương trong quản lý, bảo vệ rừng, mà trước hết là phải xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có liên quan, rồi cuối cùng mới xử lý tới dân theo đúng pháp luật. Thậm chí sẵn sàng “thay máu” đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng. Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ 7 mới đây, đồng chí Lê Diễn cũng đã nhấn mạnh: Hiện nay, tỉnh đang tập trung xử lý các hành vi vi phạm về rừng, đất rừng. Quan điểm của tỉnh là “không có vùng cấm” trong quá trình xử lý, kể cả trường hợp cán bộ đã về hưu nếu có sai phạm cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Không có vùng cấm” trong xử lý các hành vi vi phạm hủy hoại rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO