Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường hàng hóa

Lê Dung| 01/02/2018 09:25

Mặc dù công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng thời gian qua đã được lực lượng chức năng tăng cường và đạt được những kết quả tích cực song theo dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

ADQuảng cáo

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại các cửa hàng trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa

Đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi

Mặc dù các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thương mại đã được phát hiện và xử lý tương đối nhiều, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước vẫn còn những bất cập, ảnh hưởng không nhỏ tới việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và xử lý các trường hợp vi phạm liên quan.

Nổi cộm nhất là tình trạng buôn lậu hàng hóa qua biên giới thời gian qua đang có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Ông Lê Văn Nhuận, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk cho biết: Những mặt hàng gỗ khi qua biên giới, buộc phải có giấy phép. Tuy nhiên, số lượng cấp phép xuất khẩu thì ít, trong khi nhu cầu nhập khẩu gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua rất lớn nên nhiều đối tượng đã bất chấp thủ đoạn, vận chuyển trái phép gỗ qua biên giới. Chỉ tính trong tháng 1/2018, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 vụ vi phạm về vận chuyển gỗ trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Tuy nhiên, việc bắt giữ, xử lý lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng này qua biên giới thường có tổ chức và rất manh động. Thậm chí đối tượng buôn lậu gỗ còn dùng hung khí tấn công lực lượng thực thi nhiệm vụ. Được biết, thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp về tình trạng buôn lậu qua biên giới trên địa bàn tỉnh, lực lượng hải quan và công an, biên phòng đã tăng cường công tác phối hợp trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Điều kiện phục vụ kiểm tra, xứ lý hạn chế

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại... ngày càng tinh vi, phức tạp nhưng điều kiện phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý hiện nay lại quá hạn chế. Mặc dù vấn đề này đã được đề cập nhiều ở các hội nghị, nhưng đến nay, các lực lượng chức năng vẫn chưa có “tín hiệu” hỗ trợ khả quan.

Theo ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) thì các sản phẩm hàng hóa như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay xăng dầu thì hầu như các lực lượng đều “tay không” khi tiến hành kiểm tra, xử lý, chứ không có điều kiện về công cụ hỗ trợ nhất định.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, địa phương không có Trung tâm Kiểm định chất lượng hàng hóa đủ điều kiện về tính pháp lý cũng đã ảnh hưởng rất lớn tới tính bảo mật và hiệu quả của việc xử lý vi phạm sau này. Được biết, từ trước tới nay, các cơ quan chức năng thường phải gửi mẫu đi các trung tâm lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng để kiểm nghiệm chất lượng. Thời gian gửi và kiểm nghiệm chất lượng rất lâu nên nguy cơ gây rò rỉ thông tin hoặc đánh động cho các đơn vị cố tình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng thu hồi, phi tang tang chứng là rất lớn.

Theo Ban chỉ đạo 389/ĐP của tỉnh thì trong năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 3.353 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 27 tỷ đồng. Trong đó, hành vi vi phạm tập trung về gian lận thương mại chiếm số lượng nhiều nhất, với 3.229 vụ.

Phòng ngừa sai phạm ngay từ đầu

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng vừa qua, đồng chí Cao Huy, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389/ĐP của tỉnh nhấn mạnh: Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý đủ mạnh, việc tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân và giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ liên quan tới lĩnh vực này cũng cần được chú trọng. Để làm được điều này, các sở, ngành, địa phương có cán bộ trực tiếp tham gia xử lý các vụ việc liên quan cần quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm soát chặt chẽ phòng ngừa sai phạm ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, thực hiện công khai tên tuổi của các nhà sản xuất, doanh nghiệp vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất. Việc tuyên truyền tốt còn giúp nâng cao ý thức cho người dân trong vấn đề phân biệt được hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là tăng cường kiểm tra các mặt hàng mà nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán…

Trước mắt, về phía lực lượng Quản lý thị trường cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên địa bàn khá chi tiết và cụ thể. Trong đó, các đội quản lý thị trường phụ trách các địa bàn sẽ thực hiện kiểm tra tại các siêu thị, chợ trung tâm thị trấn, thị xã và các chợ vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, các điểm tổ chức hội chợ trên địa bàn.

Hoạt động kiểm tra sẽ tập trung vào một số mặt hàng như: Các loại vật liệu nổ, pháo nổ, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực; các mặt hàng phục vụ vào dịp Tết Nguyên đán như rượu, bia, đường, nước giải khát, các loại thuốc lá điếu nhập lậu, bánh mứt, kẹo, giày dép, hàng điện tử, điện dân dụng, xăng dầu, lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Nội dung kiểm tra chủ yếu là việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, kiểm tra nhãn hàng hóa, đo lường, chất lượng, giá, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn kiểm tra ở một số nội dung khác liên quan đến hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật… Qua đó góp phần bảo đảm thị trường, ổn định cung - cầu hàng hóa cho người dân trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO